Bộ KHCN đề nghị Chính phủ quyết địa điểm lò hạt nhân
Ngày đăng: 21/04/2014 01:39
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/04/2014 01:39
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện cũng nằm ở trung tâm Tp Đà Lạt |
Bộ KHCN mong Quốc hội ủng hộ đề xuất xây lò phản ứng hạt nhân mới tại TP Đà Lạt thay vì phải chuyển đi xa hơn như đề xuất của Tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nói như vậy khi báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trong phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngày 11/4 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo Bộ trưởng Quân: “Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới hiện đã quá chậm, lẽ ra cuối năm 2013 đã phải khởi công. Tất cả sẽ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể".
Bộ đòi tiện lợi, trách khéo Đà Lạt
Trước đó ngay sau khi Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (ngày 22/11/2011), Bộ đã giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam triển khai việc tìm kiếm và đánh giá địa điểm cho việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới- thành phần chính và quan trọng nhất của Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.
Theo đó địa điểm mà Bộ này đã chọn được địa điểm thích hợp cho lò nghiên cứu mới là tiểu khu 151A, phường 12, thành phố Đà Lạt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và trong phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 4/1/2013, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới.
"Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân gặp nhiều khó khăn vì tỉnh Lâm Đồng không ủng hộ phương án địa điểm do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất", báo cáo viết.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, địa điểm xây lò nghiên cứu mới được lựa chọn bởi có nhiều điều kiện thuận lợi khi chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12km, gần với lò hạt nhân Đà Lạt hiện hữu để thuận tiện cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc.
Địa điểm có quy mô hơn 100ha và có hồ nước với trữ lượng nước đủ dùng cho lò phản ứng, nằm cách ly với khu dân cư, cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông đầy đủ.
Lò nghiên cứu mới ở Đà Lạt cũng sẽ dễ dàng hỗ trợ cho dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong quá trình thi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành, cũng như các dự án sau này ở khu vực miền Trung. Mặt khác, địa điểm này trước đó cũng đã được dự định làm Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao.
Qua khảo sát, các chuyên gia Nga cũng cho rằng địa điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn đạt được hầu hết các tiêu chí để xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 10-20 MWt.
Tỉnh bảo đưa ra xa và bài toán dành cho Thủ tướng
Tuy nhiên đề xuất này ít nhất đã nhận được 2 lần phản ứng của địa phương với lý do e ngại tâm lý của người dân và ảnh hưởng du lịch.
Theo đó lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và đề xuất 5 địa điểm khác để thay thế.
Trong đó có hai địa điểm thuộc xã Tà Nung và xã Trạm Hành của Đà Lạt, 3 địa điểm thuộc các xã Đạ Nhim và Đạ Sar, huyện Lạc Dương; tất cả đều cách xa trung tâm Đà Lạt. Kết quả khảo sát và đánh giá ban đầu cho thấy trong 5 địa điểm do tỉnh đề xuất, có ưu thế hơn cả là địa điểm thuộc tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, cách trung tâm Đà Lạt hơn 30 km.
Mới đây nhất, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với lãnh đạo tỉnh (ngày 25/3), Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét việc đưa dự án lò nghiên cứu mới ra xa Đà Lạt và theo tỉnh là địa điểm tại Lạc Dương sẽ phù hợp.
Thế nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng địa điểm do tỉnh Lâm Đồng đề xuất tại huyện Lạc Dương không phù hợp cho việc xây dựng lò nghiên cứu mới vì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn; không thể thu hút nguồn cán bộ giỏi; đánh mất vai trò hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân; không tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hỗ trợ hạt nhân tại Đà Lạt…
Bộ cũng khẳng định rằng, lo ngại của tỉnh về việc cơ sở nghiên cứu hạt nhân ảnh hưởng du lịch là không có cơ sở.
Do đó, báo cáo giải trình trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân mong Quốc hội ủng hộ đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ vì địa điểm này có nhiều thuận lợi, không quá vướng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến người dân và đỡ tốn kém đầu tư cho nhà nước.
Bộ trưởng cho biết tất cả sẽ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể.
Việc chờ Thủ tướng quyết định người ta lại nhớ đến trước đó từng có chuyên gia phát biểu: "Đẩy cái khó cho Thủ tướng!".
Rồi mới đây khi bàn câu chuyện thu phí đại lộ Thăng Long dù Hà Nội đề xuất thu phí trên đại lộ này nhưng khi gặp phản ứng dữ dội của dư luận thì lại chờ Thủ tướng quyết định.
Dù rằng ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giải thích rằng Hà Nội không tự đưa ra sáng kiến thu phí trên đại lộ Thăng Long rồi đẩy khó cho Thủ tướng, song dường như đã thành tiền lệ, cứ đến khi cần gỡ nút thắt thì người đó sẽ là Thủ tướng.
Theo Báo Đất Việt