Big Data - “Nguồn dầu mỏ” của Cách mạng Công nghiệp 4.0
Ngày đăng: 23/10/2017 09:48
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/10/2017 09:48
Là xu hướng công nghệ xuất hiện trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, Big Data sẽ là lời giải cho rất nhiều bài toán kinh doanh hóc búa.
Dữ liệu lớn (Big Data) là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp khác với cách truyền thống. Dữ liệu này bao gồm thu thập, giám sát, tìm kiếm, dự báo, phân tích hành vi người dùng, hoặc một số phương pháp phân tích dữ liệu tiên tiến khác trích xuất giá trị từ dữ liệu mà ít khi đề cập đến kích thước dữ liệu này.
Thực tế thì Big Data không còn là một khái niệm mới mẻ và những lợi ích của nó đã được nhắc đến thường xuyên, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh. Nó là một phần của lĩnh vực Kỹ thuật số, cùng với vạn vật kết nối Internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI).
Lĩnh vực này cùng với Công nghệ sinh học (nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu) và Vật lý (robot, in 3D, xe tự hành, vật liệu mới) tạo nên cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nói không quá, vai trò của Big Data với Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng giống như dầu mỏ với cuộc Cách mạng Công nghiệp 2.0 cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 vậy.
“Những ai có khả năng sử dụng Big Data sẽ có một lợi thế lớn không chỉ biết được ý kiến của công chúng mà còn phát hiện ra những động thái trong chính tổ chức của họ, để cải tiến quy trình và có thông tin tốt hơn trong quá trình đưa ra quyết định”, nhận định từ tờ báo uy tín của Pháp ParisTech Review.
Vai trò của ứng dụng Big Data dành cho doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp kinh doanh mới là rất lớn,đó là lý do vì sao người ta thường ví nó là chiếc chìa khóa thành công trong tương lai cho mọi tập đoàn hàng đầu thế giới.
Chuyên gia tư vấn về Big Data, Shane Rigby cho biết: “Dung lượng dữ liệu số của toàn thế giới sẽ đạt 44 zettabyte (44.000 tỉ gigabyte) trong vòng 4 năm nữa, gấp 10 lần so với hiện tại. Trong đó, có một phần không nhỏ dung lượng loại này nằm trong tay các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Amazon hay Facebook”.
Dữ liệu Big Data trong tay doanh nghiệp nói chung thường bao gồm các bản báo cáo kết quả kinh doanh, dữ liệu về tình hình xuất/nhập hàng hóa, mức độ quan tâm của khách hàng tới từng phân khúc sản phẩm,…
Khi phân tích những dữ liệu này, doanh nghiệp sẽ đánh giá được tình hình của mình, dự báo về những biến động trong tương lai gần và đưa ra các giải pháp để cải thiện khả năng kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Big Data ứng dụng kinh doanh như thế nào?
Một ví dụ về hiệu quả của việc khai thác Big Data có thể kể đến Amazon. Ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử này có thể dự đoán được tại từng khu vực địa lý khác nhau, sản phẩm nào sẽ có nhu cầu cao trong thời gian tới và chuẩn bị hàng ngay từ khi khách hàng còn chưa có ý định mua.
Nhờ cơ sở dữ liệu khổng lồ về thói quen mua hàng, thời tiết, văn hóa tiêu dùng và thậm chí cả… tình hình chính trị, Amazonluôn đi trước một bước so với đối thủ. Mới đây, họ còn triển khai chương trình chào hàng tận nhà, và tỷ lệ khách mua hàng đạt con số ấn tượng: 65% cho thấy việc phân tích dữ liệu của Amazon hiệu quả đến mức nào.
Google và Facebook cũng đã sử dụng Big Data để xác định mục tiêu quảng cáo mà ta thấy xuất hiện trên màn hình. Một số tập đoàn khác, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm, bất động sản, ở các nước mà luật pháp cho phép đã thu thập các dữ liệu cá nhân để xác định phương hướng kinh doanh và đối tượng khách hàng.
Chẳng hạn như Google có thể nhận ra bạn mang thai… ngay cả khi gia đình, bạn thân của bạn chưa hề biết. Bởi lẽ, tất cả dựa vào những thông tin mà tìm kiếm của bạn gõ trên Google, những món hàng bạn đặt mua, nhu cầu ăn uống của bản thân,...
Tất nhiên, Big Data cũng là một thách thức lớn, cả về kỹ thuật và giá trị.
Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, với gần 100 triệu người trong đó có tới 57% dân số sử dụng Internet. Chính vì thế thịtrường Big Data tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là triển vọng hàng đầu châu Á, tuy nhiên việc khai thác Big Data trong nước vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và chỉ chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp công nghệ.
Ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Công nghệ và Hệ thống IBM Việt Nam cho biết: “Sự bùng nổ của dữ liệu đang khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với hàng loạt hạn chế trong việc xử lý thông tin, dẫn đến khả năng đưa ra các quyết định kinh doanh bị chậm trễ hoặc thậm chí là trì hoãn. Điều này về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh”.
Dự án Zalo của VNG được xem là tiêu biểu trong việc thu thập và phân tích dữ liệu của hàng triệu người dùng, qua đó giúp nhóm phát triển đưa ra những điều chỉnh phù hợp, giải quyết nhanh các sự cố để đem lại trải nghiệm tốt hơn.
Lấy cảm hứng từ những doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực B2C và những lĩnh vực có lượng giao dịch, dữ liệu lớn như ngân hàng, chứng khoán,...cũng đang mạnh tay hơn với Big Data.
Mới đây ngân hàng SHB và siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã quyết định đầu tư nâng cấp hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin. Điều này cho thấy triển vọng của Big Data tại Việt Nam rất sáng sủa và sẽ còn được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong tương lai.
Theo Nguoiduatin.vn