Bảo hộ quyền sở hữu nâng giá trị các sản phẩm chủ lực địa phương
Ngày đăng: 04/04/2024 08:21
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/04/2024 08:21
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình về bảo hộ quyền khai thác, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng giá trị nông sản Việt.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (bên trái) tham quan các sản phẩm giới thiệu tại sự kiện. |
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2024 sáng 29/3 do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Bảy, phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thông tin, năm 2023 Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022) trong đó có 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 8,5% so với năm trước. "Công tác thực thi quyền nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền tăng mạnh với hơn 3.000 vụ xâm phạm quyền được xử lý", ông nói.
Năm 2023 đã có 168 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 153 sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 253 doanh nghiệp và 283 tổ chức tập thể được hỗ trợ.
Trước đó nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản như Vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận giúp giá bán cao hơn bình thường từ 15-25%.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, minh họa thêm, Hà Nội thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ hướng mục tiêu tối thiểu 40% các sản phẩm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý. Theo đó, có 198/307 sản phẩm OCOP được bảo hộ (đạt 64,5%), lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đạt 17.539 và số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp là 9.338.
"Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có tác động tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện để các tổ chức khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị; mở rộng thị trường của sản phẩm, giúp cho người dân nâng cao thu nhập", ông nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận những kết quả đã đạt được, trong đó ông nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung đã giúp các hoạt động hỗ trợ xác lập bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh.
Tuy nhiên Bộ trưởng thẳng thắn nêu hoạt động quản lý về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức, đòi hỏi phải đổi mới để nâng cao hiệu quả như tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; thực thi quyền sở hữu công nghiệp, hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ...
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất giải pháp, trong đó tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ đồng bộ ở các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền.
Ông Nguyễn Phúc Thương, phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Bắc Giang nêu vướng mắc về xây dựng chỉ dẫn địa lý, trong đó liên quan địa danh dẫn tới gặp khó khi đăng ký nhãn hiệu. Ông cho hay, Sâm nam núi Dành được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (chủ yếu sản phẩm củ sâm), nhưng khi phát triển lên đăng ký nhãn hiệu về hoa sâm nam núi Dành lại không thể đăng lý do tên nhãn hiệu bị trùng địa danh. Do đó ông kiến nghị việc xem xét thu hồi nhãn hiệu thông thường, tạo điều kiện trong việc đăng ký nhãn hiệu với các sản phẩm đặc trưng, chủ lực địa phương.
Ông cũng kiến nghị rút ngắn thời gian và thủ tục trong quá trình đăng ký, đồng thời rà soát triển khai đánh giá, khoanh vùng cấp quyền, đánh giá tài sản đang khai thác. "Cục Sở hữu trí tuệ cần có hướng dẫn trong triển khai tài sản trí tuệ nhằm thực hiện đồng bộ và hỗ trợ trong tranh chấp xử lý vấn đề liên quan sở hữu công nghiệp", ông nói.
Lãnh đạo cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các ý kiến từ địa phương gặp khó khăn trong triển khai xây dựng nhãn hiệu cộng đồng hay liên quan quản lý tài sản hình thành trong triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ. Thời gian tới Cục sẽ sửa đổi thông tư 03 (quy định về quản lý chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2023) để các địa phương có các căn cứ trong quản lý, hỗ trợ bảo hộ tiếp cận tài sản liên quan nhãn hiệu cộng đồng, chỉ dẫn địa lý để hướng xác lập quyền nhằm triển khai hiệu quả sản phẩm trí tuệ.
Vnexpress