Ban Văn hóa – Xã hội thuộc HĐND tỉnh giám sát công tác đào tạo, dạy nghề
Ngày đăng: 15/09/2017 09:55
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/09/2017 09:55
Trong 2 ngày 13 và 14/9, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát kiểm tra tại Thị xã Buôn Hồ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Bà Phan Thị Như Thủy – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội thuộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả Đề án. Kết quả, từ năm 2013 đến tháng 6/2017, đã tổ chức 457 lớp dạy nghề với số lao động được học nghề trên 15.300 người, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề trên 75%.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hướng tới đào tạo theo nhu cầu của người học gắn với việc làm; từ việc sản xuất theo thói quen, truyền thống nay nhiều lao động nông thôn đã nhận thức được để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thì phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua công tác đào tạo nghề cũng đã giúp một số lao động nông thôn có thêm nghề sản xuất mới, từ đó ngoài tạo việc làm cho bản thân còn mạnh dạn mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập thêm cho lao động khác, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Giai đoạn 2018-2020, Đắk Lắk phấn đấu sẽ đào tạo nghề cho 26.600 lao động nông thôn; trong đó nghề nông nghiệp là trên 6.600 người và phi nông nghiệp trên 19.900 người.
Tại buổi giám sát, đại diện Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Đắk Lắk ghi nhận những kết quả của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để tránh lãng phí, bên cạnh đó trước khi mở lớp các địa phương cần khảo sát đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp và dạng hóa các ngành nghề đào tạo; đồng thời thường xuyên kiểm tra về số lượng, nội dung chương trình, thời gian đào tạo nghề của các Trung tâm để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo Daklak.gov.vn