Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Ngày đăng: 26/03/2024 09:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/03/2024 09:25
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Bản đồ công nghệ lĩnh vực chính phủ số. Nguồn: Bộ TT&TT |
“Chính phủ số” (digital government) là quá trình chính phủ đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số một cách an toàn và đảm bảo. Mô hình hoạt động của chính phủ số sẽ được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu cũng như công nghệ số.
Chiến lược Chính phủ số được Việt Nam bắt đầu từ năm 2021, sau khi đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của chính phủ điện tử (e-government). Trọng tâm của chính phủ điện tử là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 4 (cho phép khai báo, nộp hồ sơ, nhận hồ sơ và thanh toán trực tiếp qua mạng) đạt tới 100%.
Trong khi đó, chính phủ số có phạm vi rộng hơn, bao gồm cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao hơn, huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, vận hành các cơ quan nhà nước tốt hơn nhờ dữ liệu và công nghệ số, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, và giúp đất nước đột phá về thăng hạng trong xếp hạng quốc tế.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số có thể giúp các đơn vị lựa chọn công nghệ phù hợp, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời. Chúng cung cấp bốn loại thông tin chính là: thời gian chấp nhận công nghệ (4 mức, từ ‘dưới 2 năm’ đến ‘trên 10 năm’), mức độ trưởng thành của công nghệ (từ 1-5), mức độ ảnh hưởng của công nghệ (3 mức thấp, trung bình, cap), giai đoạn phát triển của sự kỳ vọng đối với công nghệ (5 mức độ, từ ‘bình minh’ đến ‘sử dụng rộng rãi, ổn định’).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, bản đồ được xây dựng trong ba tháng, dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.
Dưới đây là danh sách 32 công nghệ cụ thể được đánh giá và xếp loại trên bản đồ (Dựa trên tài liệu gốc của nhóm tác giả và được diễn giải lại, kèm ví dụ minh họa của phóng viên Khoa học & Phát triển.)
Authenticated Provenance (Xác thực nguồn gốc): là một hệ thống công nghệ xác thực dữ liệu, thông tin hoặc tài sản để đảm bảo tính xác thực và rõ ràng về nguồn gốc. Ví dụ như nguồn gốc của thực phẩm, cây trồng, hàng hóa, tài sản v.v
Blockchain in Government (Công nghệ chuỗi khối trong Chính phủ): là công nghệ đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu dựa trên cơ chế phân tán, ghi lại các giao dịch theo cách không thể thay đổi được. Chuỗi khối có thể được sử dụng để lưu trữ an toàn các hồ sơ quan trọng của chính phủ như giấy khai sinh, hộ chiếu, hồ sơ đất đai, phân phối phúc lợi xã hội, bỏ phiếu chống gian lận, v.v
Chatbots (Trợ lý ảo): là một phần mềm hoặc chương trình máy tính được thiết kế nhằm mô phỏng cuộc trò chuyện với con người thông qua các nền tảng ứng trò chuyện, website hoặc ứng dụng khác. Chatbot có thể được sử dụng để trả lời các câu hỏi thường gặp về dịch vụ công, hướng dẫn người dân hoàn thành các thủ tục hành chính trực tuyến, giải quyết các vấn đề đơn giản của người dân, cung cấp hỗ trợ 24/7.
Citizen Engagement Hub (Cổng kết nối người dân tham gia): là một khung kiến trúc liên kết nhiều hệ thống lại với nhau để thu hút công dân một cách tối ưu. Nó sử dụng con người, tác nhân nhân tạo hoặc cảm biến để trao đổi thông tin trên tất cả các kênh tương tác. Hệ thống này cho phép công dân chủ động phản ánh, giao tiếp với chính quyền và được hưởng các chức năng dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày.
Ví dụ: Ứng dụng Huế-S của Thừa thiên Huế hiện nay là một Hub kết nối người dân, trong đó có nhiều tính năng “con” do các đối tác khác nhau phát triển, cho phép công dân báo cáo các vấn đề về cơ sở hạ tầng, phản ánh ngập lụt, tắc đường; gọi cấp cứu, cứu hộ; đồng thời nhận thông báo cảnh báo về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, sự cố, hàng giả; theo dõi thông tin chất lượng không khí, rác, nước thải v.v
Citizen Twin (Công dân số song sinh): là công nghệ tạo ra một phiên bản số hóa chính xác của cá nhân, thể hiện mọi khía cạnh quan trọng của họ, bao gồm thông tin cá nhân, lịch sử, hoạt động, tương tác với chính phủ, sở thích, và quyền lợi. Ví dụ, Citizen Twin có thể tự động điền các thông tin cá nhân cần thiết vào đơn xin cấp phép trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian; hoặc tự động tính toán số tiền thuế phải nộp và cho phép thanh toán trực tuyến. Công dân cũng có thể sử dụng Citizen Twin để truy cập và chia sẻ hồ sơ y tế của họ với các bác sĩ một cách an toàn.
Computer Vision in Government (Thị giác máy tính trong chính phủ): là công nghệ xử lý và phân tích hình ảnh và video trong thế giới thực để cho phép máy móc trích xuất thông tin theo ngữ cảnh, có ý nghĩa từ thế giới thực. Ví dụ, hệ thống camera có thể tự động đọc biển số xe và hộ chiếu, giúp xác minh danh tính của người nhập cảnh, người tham gia giao thông. Hoặc máy bay không người lái được trang bị thị giác máy tính có thể dùng để theo dõi tình trạng rừng, phát hiện cháy rừng hoặc giám sát chất thải bất hợp pháp.
Consent and Preference Management (Quản lý Quyền đồng ý và Sở thích): là hệ thống được thiết kế để giúp các tổ chức, đơn vị quản lý và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân và dữ liệu. Hệ thống cung cấp các chức năng và tính năng để tùy chỉnh và quản lý các sự đồng ý và ưu tiên của người dùng. Ví dụ: quản lý quyền đồng ý/từ chối nhận thông tin qua email, SMS, thư tín về các dịch vụ cụ thể; quản lý các dữ liệu đồng ý/rút lại đồng ý về y tế và chăm sóc sức khỏe.
CSPM (Cloud Security Posture Management) (Quản lý tình trạng an ninh đám mây): là công nghệ và quy trình dùng để giám sát và đảm bảo tính an toàn của hạ tầng điện toán đám mây. CSPM được sử dụng để đánh giá và duyệt tích hợp bảo mật trong môi trường đám mây, đảm bảo rằng các quy tắc và chính sách bảo mật đã được tuân thủ một cách đầy đủ và hiệu quả. Ví dụ, giám sát cấu hình của các máy chủ ảo được sử dụng để lưu trữ dữ liệu công dân, đảm bảo chúng được mã hóa và chỉ những người dùng được ủy quyền mới có thể truy cập. Phát hiện các hoạt động bất thường trên nền tảng đám mây được sử dụng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, chẳng hạn như cố gắng truy cập trái phép hoặc tải lên phần mềm độc hại.
Data Exchange (Chia sẻ dữ liệu): là công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử giữa các bên liên quan bao gồm một người, nhóm hoặc tổ chức khác nhau trong hệ sinh thái đô thị thông minh. Ví dụ, chia sẻ dữ liệu giúp loại bỏ tình trạng yêu cầu người dân cung cấp cùng một thông tin nhiều lần cho các cơ quan khác nhau; hoặc giúp các cơ quan chính phủ có thể phát hiện và ngăn chặn gian lận, chẳng hạn như gian lận phúc lợi xã hội hoặc gian lận thuế.
Data Fabric (Kết cấu dữ liệu): là một thiết kế quản lý dữ liệu, cho phép tích hợp và chia sẻ dữ liệu gia tăng trên các nguồn dữ liệu không đồng nhất, từ các hệ thống truyền thống đến các hệ thống đám mây, cơ sở dữ liệu nội bộ và ngoại vi, dữ liệu có cấu trúc và không cấu trúc. Ví dụ, Data Fabric có thể tích hợp dữ liệu từ cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm y tế và cơ quan đăng ký hộ khẩu để cung cấp cho công dân một điểm truy cập duy nhất cho các dịch vụ công. Data Fabric có thể được sử dụng để tích hợp dữ liệu từ cảnh sát, tòa án và các cơ quan khác có liên quan để phân tích tội phạm hiệu quả hơn và dự đoán các điểm nóng tội phạm tiềm ẩn.
Decentralized Identity (Nhận dạng phi tập trung): là hệ thống tận dụng các công nghệ như chuỗi khối hoặc các công nghệ sổ cái phân tán khác để cho phép một thực thể tạo và kiểm soát danh tính kỹ thuật số của riêng mình. Công nghệ này cho phép người dùng sở hữu và kiểm soát dữ liệu của mình, không có bên trung gian lưu trữ dữ liệu tập trung. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức về khả năng tương tác với các hệ thống nhận dạng khác, và quy định pháp lý.
DGTP/Digital Government Technology Platforms (Nền tảng công nghệ chính phủ kỹ thuật số): là một nền tảng tập hợp các khả năng xuyên suốt, tích hợp, theo chiều ngang, giúp điều phối các dịch vụ của chính phủ trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, các thành phần của một DGTP đầy đủ là cổng thông tin điện tử, quản lý định danh điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ v.v
Digital Twins of Government (Bản sao số của Chính phủ): là công nghệ tạo ra một phiên bản số hóa của các quy trình, hoạt động và dịch vụ công, giúp chính phủ tối ưu hóa hiệu quả và cải thiện trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ: Singapore đang phát triển một bản sao số của toàn bộ quốc gia, mô phỏng các yếu tố như giao thông, năng lượng và sử dụng đất. Điều này cho phép chính phủ lập kế hoạch cho tương lai, mô phỏng các kịch bản khác nhau như gia tăng dân số hoặc thiên tai, và đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.
Document-Centric Identity Proofing in Government (Xác thực nhận dạng dựa trên giấy tờ): là công nghệ xác minh yêu cầu nhận dạng trong một giao dịch từ xa thông qua hai hoạt động kết hợp: (1) chụp ảnh tài liệu nhận dạng hoặc đọc con chip của nó và kiểm tra các dấu hiệu giả mạo (2) so sánh hình ảnh chụp trực tiếp của người mang giấy tờ với thông tin thu được từ giấy tờ. Ví dụ: các app ngân hàng, chứng khoán cho phép mở tài khoản online bằng cách chụp CCCD và đối chiếu với ảnh chụp người thật tại chỗ.
Event Stream Processing (Xử lý luồng sự kiện): là kỹ thuật nhận luồng sự kiện liên tục và xử lý chúng ngay khi có thay đổi. Nó khác với xử lý dữ liệu theo lô (batch processing), vốn xử lý toàn bộ tập dữ liệu cùng một lúc. Ứng dụng của ESP gồm phân tích dữ liệu cảm biến/camera trong thành phố thông minh để theo dõi tình trạng giao thông, năng lượng và các yếu tố môi trường khác; phân tích mạng xã hội về các vấn đề của chính phủ và phản ứng của công dân.
Full Life Cycle API Management (Quản lý toàn bộ vòng đời API): là công cụ lập kế hoạch, thiết kế, triển khai, thử nghiệm, xuất bản, vận hành, sử dụng, tạo phiên bản và ngừng hoạt động của các giao diện lập trình ứng dụng (API). Các công cụ quản lý API cho phép các hệ sinh thái API và các API xuất bản hoạt động an toàn và thu thập các phân tích để theo dõi và lập báo cáo.
Health Pass (Thẻ thông hành sức khỏe): là một dạng chứng nhận kỹ thuật số, sử dụng công nghệ số và mã hóa để xác nhận và quản lý thông tin liên quan đến sức khỏe của người dân. Health Pass có thể được sử dụng khi xuất nhập cảnh, đi vào một số địa điểm công cộng, tham gia các sự kiện v.v khi có yêu cầu.
Human-Centered AI (Trí tuệ Nhân tạo lấy con người làm trung tâm): là một lĩnh vực mới nổi nhằm mục đích tạo ra các hệ thống trí tuệ nhân tạo khuếch đại và tăng cường khả năng của con người, thay vì thay thế con người. Ví dụ, hệ thống tự động duyệt hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh, giúp giảm thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp.
Hybrid Cloud Computing (Điện toán đám mây kết hợp): là việc kết hợp giữa đám mây công cộng (public cloud) và đám mây riêng (private cloud) để tạo ra một môi trường điện toán linh hoạt và đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau. Nói một cách dễ hiểu, chính phủ có thể sử dụng đám mây riêng để lưu trữ dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như hồ sơ mật hoặc thông tin cá nhân của công dân. Trong khi đó, đám mây công cộng có thể được sử dụng để lưu trữ các dữ liệu ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như thông tin về thủ tục hành chính hoặc dữ liệu thời tiết. Ví dụ, dịch vụ đặt lịch hẹn khám bệnh online lưu trên đám mây công cộng được tích hợp với dữ liệu y tế lưu trên đám mây riêng của chính phủ.
Identity Wallets for Citizens (Ví điện tử chứa đựng thông tin định danh công dân): là một hệ thống hoặc ứng dụng dựa trên công nghệ Blockchain và các công nghệ mã hóa khác để cung cấp cho công dân một phương tiện an toàn và dễ dàng để quản lý và kiểm soát thông tin cá nhân của họ. Ví dụ: Phần mềm định danh điện tử VNeID của Bộ Công an.
Intelligent Applications in Government (Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Chính phủ): nhằm tối ưu hóa và cải thiện các hoạt động, quy trình và dịch vụ trong Chính phủ. Ví dụ, chatbot, trợ lý ảo, AI giám sát sức khỏe cộng đồng, dự đoán giao thông v.v
Knowledge Graps (Đồ thị tri thức): là cấu trúc dữ liệu, biểu thị kiến thức về thế giới thực, bao gồm các thực thể (con người, tổ chức, tài sản kỹ thuật số, v.v.) và các mối quan hệ của chúng theo mô hình dữ liệu biểu đồ nút mạng. Nói một cách dễ hiểu, đồ thị tri thức giống như một bộ bách khoa toàn thư khổng lồ, nơi các sự kiện, con người, địa điểm và các chủ đề khác được liên kết với nhau bằng các mối quan hệ rõ ràng.
Đồ thị tri thức có thể được sử dụng để cải thiện chức năng tìm kiếm trên trang web của chính phủ, giúp người dân dễ dàng tìm thấy các biểu mẫu, thủ tục và thông tin cần thiết về mua bán đất đai.
LCAP in S&L Government (Low-Code Application Platforms for State & Local Government) (Các nền tảng phát triển ứng dụng ít dùng code dành cho chính quyền trung ương và địa phương): LCAP cho phép các cơ quan chính phủ phát triển các ứng dụng tùy chỉnh mà không cần kiến thức lập trình chuyên sâu. Điều này có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời trao quyền cho công chức, viên chức giải quyết các vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn, mà không cần phải chờ bộ phận IT.
Machine Customers (Khách hàng máy): là một tác nhân phi nhân loại, thay mặt con người thực hiện công việc. Khách hàng máy được thiết kế để tự động mua hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, xe tự trả phí cầu đường, các thiết bị kiểm tra đường ống thông minh tự đặt lại vật tư khi sắp hết.
Machine-Readable Legislation (Số hóa pháp chế): là công nghệ để biến các văn bản pháp luật và quy định thành định dạng máy tính có thể đọc được và xử lý bằng máy tính. Chúng sử dụng các ngôn ngữ đánh dấu (markup language) và các tiêu chuẩn nhất định để cấu trúc thông tin pháp lý. Ví dụ: Cổng thông tin pháp lý trực tuyến, phần mềm tuân thủ pháp luật, AI hỗ trợ nghiên cứu và soạn thảo văn bản pháp lý.
Microservices (Kiến trúc Microservices): là một phương thức phát triển phần mềm phân tách một ứng dụng lớn thành các dịch vụ độc lập nhỏ hơn. Mỗi dịch vụ này có một phạm vi trách nhiệm rõ ràng và được phát triển, triển khai và quản lý riêng biệt. Ví dụ, người dân có thể tương tác với các dịch vụ khác nhau thông qua một cổng dịch vụ công duy nhất, trong đó có một microservice có thể xử lý đăng ký khai sinh, một microservice khác có thể xử lý nộp đơn xin cấp hộ chiếu.
MXDP/Multiexperience Development Platform (Nền tảng phát triển đa trải nghiệm): là nền tảng dùng để tập trung hóa các hoạt động trong vòng đời — thiết kế, phát triển, thử nghiệm, phân phối, quản lý và phân tích — cho danh mục các ứng dụng đa trải nghiệm. Đa trải nghiệm đề cập đến các phương thức trải nghiệm khác nhau (vd chạm, giọng nói và cử chỉ), các thiết bị và ứng dụng mà người dùng tương tác trên hành trình kỹ thuật số của họ qua các điểm tiếp xúc khác nhau.
Ví dụ: chính phủ xây dựng website và ứng dụng di động (app) dịch vụ công, tại đó người dân có thể lựa chọn hình thức tương tác phù hợp với họ, ví dụ văn bản, tin nhắn, giọng nói, ấn nút, chạm màn hình cảm ứng hoặc cử chỉ tay. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhóm yếu thế hơn như người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc, người ít có trải nghiệm công nghệ v.v
Natural Language Processing (Xử lý ngôn ngữ tự nhiên): là công nghệ cho phép máy tính hiểu và xử lý ngôn ngữ của con người. Bằng công nghệ này, máy tính sẽ “hiểu” các khía cạnh ngữ dụng (theo ngữ cảnh), ngữ nghĩa (ý nghĩa), ngữ pháp (cú pháp) và từ vựng (từ) của ngôn ngữ tự nhiên mà con người dùng. Ví dụ: chatbot AI trả lời các câu hỏi thường gặp của người dân, hệ thống tự động phân tích và phân loại đơn thư khiếu nại v.v
Packaged Business Capabilities (Gói chức năng): là các gói phần phần mềm có chức năng được xác định rõ, có thể dễ dàng tích hợp vào các ứng dụng và hệ thống mới. Ví dụ: chức năng quản lý hồ sơ trực tuyến, chức năng cấp phép trực tuyến, các kênh tương tác với công dân v.v
Smart Workspaces (Văn phòng làm việc thông minh): là việc ứng dụng các công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để cải thiện và tối ưu hóa môi trường làm việc trong các tổ chức và đơn vị công. Ví dụ: các phần mềm cộng tác để trao đổi thông tin, tài liệu trong một dự án.
Sovereign Cloud (Đám mây chủ quyền): là kiến trúc điện toán đám mây được thiết kế để cung cấp quyền truy cập dữ liệu tuân theo luật định của các đơn vị/tổ chức chính phủ. Nó đáp ứng các yêu cầu cụ thể rất cao về bảo mật, tuân thủ và kiểm soát dữ liệu.
Voice-of-the-Citizen Applications (Ứng dụng phản ánh của người dân): là ứng dụng thể hiện ý kiến, cảm nhận, và ý muốn của người dân, công dân đối với các chính sách, dịch vụ và hoạt động của chính phủ. Ví dụ, Ứng dụng cho phép người dân báo cáo về các vấn đề như ổ gà trên đường, rác thải tràn lan, hoặc đèn đường bị hỏng. Nền tảng thu thập ý kiến của người dân về một dự luật mới đang được đề xuất.v.v. Các ứng dụng/nền tảng này có thể đặt riêng lẻ hoặc tích hợp trên một “siêu ứng dụng” chung.
Khoahocphattrien