Anh phát triển công nghệ giám sát di truyền để cảnh báo sớm dịch bệnh
Ngày đăng: 07/04/2023 08:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/04/2023 08:16
Các nhà nghiên cứu Anh đang phát triển một công nghệ mang tính đột phá nhằm theo dõi, xác định những biến thể mới và nguy hiểm của các virus đường hô hấp ngay khi chúng xuất hiện. Đây được coi là một hệ thống cảnh báo sớm về các bệnh mới và đại dịch trong tương lai.
Chương trình virus và hệ vi sinh đường hô hấp nhằm mục đích sử dụng công nghệ giải trình tự ADN để phát hiện các bệnh mới. |
Cụ thể, trong dự án “Chương trình virus và hệ vi sinh đường hô hấp”, nhóm nghiên cứu tại Viện Wellcome Sanger, Cambridgeshire, dự định tạo ra một công nghệ rẻ, dễ sử dụng và có thể nhân rộng ra khắp toàn cầu để giám sát mọi loài virus, vi khuẩn và nấm - bao gồm virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RVS), virus corona và những mầm bệnh chưa từng được biết đến - có trong mẫu que phết mũi duy nhất lấy từ bệnh nhân.
Ewan Harrison, người đứng đầu dự án, cho biết: “Nước Anh đã đi đầu trong việc giám sát di truyền Covid-19 và chịu trách nhiệm khoảng 20% số bộ gen Sars-Cov-2 được giải trình tự trên toàn thế giới trong đại dịch vừa rồi”. Viện Sanger là trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu di truyền và giải trình tự ADN.
“Giờ đây, chúng tôi muốn đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống giám sát di truyền toàn cầu cho mọi loại virus đường hô hấp. Đây chính là các tác nhân có nhiều khả năng gây ra những đại dịch mới,” ông Harrison cho biết thêm.
Ta có thể thấy một minh họa cho mối đe dọa của đại dịch tương lai qua virus corona. Trong 20 năm qua, các loại virus corona lây nhiễm sang người chưa từng được biết đến trước đó đã 3 lần xuất hiện: Sars ở Trung Quốc và các nước lân cận; Mers ở Trung Đông; và Covid-19 trên toàn cầu.
Trong đó, việc sử dụng phương pháp giám sát di truyền trong đại dịch Covid-19 đã cho thấy năng lực đáng kể của công nghệ này. Vào tháng 12/2020, khi số ca Covid ở miền Đông nam nước Anh tăng đột ngột, công nghệ giám sát di truyền đã chỉ ra số ca tăng nhanh là do xuất hiện một biến thể mới, dễ lây nhiễm hơn. Biến thể này lúc đầu được gọi là chủng Kent, sau đó được đổi tên thành biến thể Sars-Cov-2 Alpha.
Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng phát hiện một biến thể mới thì công nghệ giám sát di truyền phải được áp dụng cho các phòng thí nghiệm trên toàn cầu. Mà điều này chỉ khả thi khi công nghệ có chi phí rẻ, dễ sử dụng và cho kết quả nhanh. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ba phiên bản khác nhau của công nghệ này.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Sanger không phải là nhóm duy nhất đang tiến hành mở rộng các khảo sát di truyền để bao quát nhiều loại virus khác đang xuất hiện. Các trung tâm tại Mỹ và Đức cũng đang thực hiện những dự án tương tự.
Khoahocphattrien