Ảnh hưởng của thuốc tránh thai lên phản ứng với căng thẳng ở phụ nữ
Ngày đăng: 21/07/2023 09:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/07/2023 09:01
Phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai từ những năm 1960, song giới khoa học vẫn chưa hiểu hết những phản ứng phức tạp của cơ thể đối với viên thuốc nhỏ chứa nội tiết tố này.
Thuốc tránh thai gây ảnh hưởng với phản ứng căng thẳng của phụ nữ. Ảnh: Reproductive Health Supplies Coalition |
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Aarhus (Đan Mạch) và Mỹ đã tìm hiểu phản ứng với căng thẳng ở 131 phụ nữ trẻ khi lấy mẫu máu. Một số người đang dùng thuốc tránh thai, số còn lại thì không. Cụ thể, họ đo lượng nội tiết tố căng thẳng có tên là ACTH trong máu.
Từ lâu, các nhà khoa học đã biết thuốc tránh thai ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA). Trong đó, tuyến yên là nơi tiết ra ACTH, một hormone truyền tín hiệu kích thích vỏ thượng thận bài tiết cortisol. Stress và nồng độ cortisol là hai yếu tố có liên quan mật thiết với nhau. Theo đó, cortisol tăng cao khi stress tăng lên và ngược lại, khi cải thiện được tình trạng stress thì chỉ số này cũng giảm dần.
Các nghiên cứu trước chủ yếu tập trung vào nồng độ cortisol trong các tình huống cực đoan. Còn ở nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã đo nồng độ ACTH, vốn thay đổi nhanh hơn hẳn cortisol. Điều này giúp cho việc quan sát và phân tích những thay đổi nhanh chóng trong phản ứng với căng thẳng.
Các đối tượng tham gia ở tuổi trung bình là 20,5. Sau khi được lấy mẫu máu, họ tham gia một trong 6 nhóm sinh hoạt tập thể khác nhau như các loại cờ, tìm hiểu nhau qua một buổi sinh hoạt tập thể, cùng hát hoặc tham gia một buổi lễ nhà thờ. Ở bên người khác là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm căng thẳng.
Để tránh gây thêm căng thẳng cho người tham gia, một kim luồn tĩnh mạch được đưa vào trong lúc lấy mẫu máu lần đầu. Như vậy, máu có thể được lấy sau khi họ tham gia sinh hoạt xã hội mà không cần phải chọc ven lần nữa.
Kết quả, sau 15 phút sinh hoạt xã hội nồng độ ACTH giảm ở phụ nữ không dùng thuốc tránh thai. Ngược lại, nồng độ ACTH không giảm ở người đang dùng thuốc.
Có các giả thuyết khác nhau về lý do người dùng thuốc tránh thai có lượng cortisol cao hơn. Nghiên cứu mới đến gần hơn lời giải thích với giả định rằng thuốc tránh thai có thể ức chế khả năng sản xuất nội tiết tố progesterone. Progesterone phân hóa thành nội tiết tố allopregnanolone, có nhiều tác động làm dịu và ảnh hưởng đến phản ứng với căng thẳng.
Nghiên cứu cho thấy phản ứng với căng thẳng ở phụ nữ không dùng thuốc tránh thai phụ thuộc vào họ đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ kinh nguyệt. Các hoạt động nhóm giúp giảm căng thẳng không có tác động tới nồng độ ACTH ở những người đang ở giai đoạn tăng sinh của chu kỳ, tức là ngay sau khi hết kinh và cơ thể bắt đầu sản xuất nội tiết tố progesterone để bắt đầu rụng trứng.
Các nghiên cứu trong tương lai cần làm rõ cơ chế phức tạp liên quan đến mối quan hệ giữa nội tiết tố và phản ứng căng thẳng, cũng như cần tìm hiểu trên nhiều đối tượng đa dạng hơn. Bởi vì thuốc tránh thai có nhiều loại, mỗi loại có cấu trúc hóa học khác nhau liên quan đến các nội tiết tố khác nhau, vì thế chúng có các tác dụng phụ khác nhau bên cạnh tác dụng tránh thai.
Khoahocphattrien