Tọa đàm “Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk”
Updated: 02/10/2020 14:54:14 687
Today: 0
Yesterday: 0
In Week: 0
Total: 0
Updated: 02/10/2020 14:54:14 687
Sáng ngày 02/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức Tọa đàm “Phổ biến kiến thức về thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk”.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Tham dự buổi Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Thị Nhiễu - Trưởng ban Nghiên cứu và dự báo thị trường (Bộ Công Thương); đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương); đại diện sở ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được báo cáo các tham luận những nội dung về: Thực trạng các chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản và đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ nông sản ở Việt Nam; Các giải pháp chính thúc đẩy theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ nông sản nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn Việt Nam như: lựa chọn chuỗi giá trị phù hợp, nghiên cứu thị trường, nâng cao chuỗi giá trị, đề xuất xây dựng mô hình chuỗi liên kết phát triển thị trường sản phẩm tiêu thụ nông sản (rau, củ, quả), đề xuất giải pháp xây dựng mô hình thí điểm. Các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của các doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn tại địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi tọa đàm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong những năm gần đây việc mở rộng diện tích và tăng sản lượng các sản phẩm nông sản tham gia góp phần vào chuỗi giá trị toàn cầu như: cà phê, cao su, tiêu, ca cao, sắn… đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhưng cũng để lại nhiều tồn tại như: Phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng môi trường, sản phảm chủ yếu chế biến thô, chủ yếu là nguyên liệu, bán sản phẩm cho các giai đoạn kinh doanh - chế biến tiếp theo có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị, nên giá trị sản phẩm thấp, giá cả bấp bênh, đời sống nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều, thiếu tính bền vững trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Qua đó cần có một số giải pháp tham gia chuỗi giá trị sản xuất một số sản phẩm nông sản chế biến địa bàn nông thôn, chú trọng nâng cao chất lượng, thống nhất và chú ý đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng như: các doanh nghiệp chế biến nông sản cần xây dựng được vùng nguyên liệu chuyên canh cung cấp chế biến nông sản, công nghệ sản xuất nguyên liệu sạch; nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, tập thể và cá nhân có vốn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, bảo quản.
Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến khích tỉnh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh thực hiện liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước) theo chuỗi giá trị sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh đến các tỉnh khác và đến các nước có trình độ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển.
Như Quỳnh