Thu thập, đánh giá và định hướng ứng dụng nguồn gen vi sinh vật bảo vệ thực vật (vi sinh vật gây hại và vi sinh vật có ích) trên cây ăn quả tại tỉnh Đắk Lắk
Updated: 28/12/2023 22:00:09 3358
Today: 0
Yesterday: 0
In Week: 0
Total: 0
Updated: 28/12/2023 22:00:09 3358
Trong những năm gần đây, cây mít, bơ và cam là đối tượng cây ăn quả quan trọng được định hướng phát triển và đang trở thành những cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nhanh cùng với thâm canh cao đã làm bùng phát nhiều loại dịch hại nguy hiểm.
Thu thập nguồn VSV gây bệnh và VSV đối kháng tại Đắk Lắk
|
Nguồn gen vi sinh vật (VSV) gây bệnh trên cây trồng và VSV có ích đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp hiện tại, an toàn và bền vững. Là nguồn vật liệu cần thiết để phát triển và sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ việc quản lý bệnh hại cây trồng. Chính vì vậy, nhiệm vụ “Thu thập, đánh giá và định hướng ứng dụng nguồn gen vi sinh vật bảo vệ thực vật (vi sinh vật gây hại và vi sinh vật có ích) trên cây ăn quả tại tỉnh Đắk Lắk” được tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn gen VSV để phát triển các biện pháp phòng trừ bệnh theo định hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân lập được 215 chủng VSV gây bệnh (70 chủng nấm Colletotrichum spp., 50 chủng nấm Lasiodiplodia spp., 33 chủng nấm Neopestalotiopsis spp., 35 chủng Phytophthora spp., 10 chủng nấm Choanephora spp., 9 chủng nấm Fusarium spp., 5 chủng nấm Neoscytalidium spp. và 3 chủng vi khuẩn Xanthomonas sp.) + 111 chủng VSV đối kháng (60 vi khuẩn Bacillus spp., 29 chủng xạ khuẩn Streptomyces spp., 9 chủng vi khuẩn Burkholderia spp., 13 chủng nấm Trichoderma spp.). Trong đó đã định danh được 8 loài nấm gây bệnh và 5 loài VSV đối kháng bằng kỹ thuật giải trình tự gene. Trong đó lần đầu tiên ghi nhận loài Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu quả cam, loài Colletotrichum thasutense gây bệnh đốm quả cam, loài Phytophthora heterospora gây bệnh thối quả cam, loài Lasiodiplodia theobromae gây bệnh thối đen quả mít trưởng thành và loài Choanephora cucurbitarum gây bệnh thối quả mít non ở Việt Nam.
Đã chọn lọc được 8 chủng VSV đối kháng có khả năng ức chế cao với cả VSV gây bệnh trong đất và VSV gây bệnh trên mặt đất, đạt hiệu lực ức chế từ 72% đến 83,9%.
Tư liệu hóa và bảo quản được 215 chủng VSV gây bệnh và 111 chủng VSV đối kháng, trong đó: Bảo quản 215 chủng VSV gây bệnh và 111 chủng VSV đối kháng trên môi trường thạch nghiêng 4o C; 37 chủng Phytophthora spp. trong nước cất ở nhiệt độ phòng, 13 chủng nấm đối kháng Trichoderma spp. trên giấy ở 4o C. Bảo quản 61 chủng VSV gây bệnh và 57 chủng VSV đối kháng ở điều kiện lạnh sâu (-40oC). Bảo quản 22 chủng VSV vây bệnh và 20 chủng VSV đối kháng ở điều kiện đông khô. Trong điều kiện bảo quản trên thạch nghiêng ở 4o C, các chủng VSV có tỷ lệ sống 88%. Phytophthora spp. có tỷ lệ sống 90,2% sau 3 tháng bảo quản trong nước cất vô trùng. Trên giá thể giấy các chủng nấm đối kháng Trichoderma có tỷ lệ sống 100% sau 3 tháng bảo quản và tỷ lệ sống 91,5% sau 12 tháng bảo quản. Tỷ lệ sống của VSV bảo quản trong điều kiện lạnh sâu sau 12 tháng là 93,7% trong trong điều kiện đông khô đạt 97,7%.
Qua kết quả nghiên cứu cũng có một số kiền nghị như sau: Tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để phòng trừ tại địa phương các loài vi sinh vật gây bệnh mới được phát hiện ở Việt Nam gồm: Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu quả cam, loài Colletotrichum thasutense gây bệnh đốm quả cam, loài Phytophthora heterospora gây bệnh thối quả cam, loài Lasiodiplodia theobromae gây bệnh thối đen quả mít trưởng thành và loài Choanephora cucurbitarum gây bệnh thối quả mít non; 5 loài VSV có ích đã được định danh cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và phát triển chế phẩm sinh học để quản lý bệnh hại trên cây cam, mít và bơ tại Đắk Lắk và các vùng lân cận; đề nghị Viện Bảo vệ thực vật tiếp tục lưu giữ, bảo tồn nguồn gen của đề tài, phục vụ cho nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị có nhu cầu.