Nghiệm thu đề tài “Đánh giá nguồn lực và đề xuất các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”
Updated: 20/04/2015 11:15:12 3007
Today: 0
Yesterday: 0
In Week: 0
Total: 0
Updated: 20/04/2015 11:15:12 3007
Sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản (cả tài sản vật chất và tài sản xã hội) và các hoạt động để kiếm sống. Sinh kế bền vững là sinh kế có thể đối phó và phục hồi từ các sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao khả năng và tài sản cả hiện tại và tương lai trong khi không ảnh hưởng đến cơ sở tài nguyên thiên (theo định nghĩa của Cơ quan phát triển quốc tế Anh DFID). Kinh kế của hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện trong môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội nhất định. Trong môi trường đó, có rất nhiều yếu tố tác động đến sinh kế của hộ gia đình DTTS. Để đánh giá tính bền vững của sinh kế, khung phân tích sinh kế bền vững DFID tập trung vào hai nhóm yếu tố chính có tác động lớn đến sinh kế của hộ, đó là nhóm “Các yếu tố dễ gây tổn thương sinh kế” và “Hệ thống thể chế, chính sách”.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài |
Đề tài do Viện Kinh tế - thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, PGS.TS Trần Thị Minh Châu làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu nghiên cứu đề tài là đánh giá thực trạng các nguồn lực sinh kế của đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình và giải pháp phát triển sinh kế bền vững. Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu, đề tài có các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Xây dựng cơ sở khoa học, khung phân tích cho việc đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển sinh kế bền vững đối với đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk.
- Đánh giá thực trạng các nguồn lực sinh kế và các yếu tố liên quan đến sinh kế của đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
- Đề xuất phương hướng và các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả nghiên cứu cho thấy. Ngành nghề sinh kế chính của hộ gia đình DTTS Đắk Lắk chủ yếu là trồng trọt (Xem biểu đồ 1).
Biểu đồ 1 |
Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra nguồn lực sinh kế thực thế về tự nhiên và xã hội sử dụng gần hết so với nguồn lực tiềm năng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk (Xem biều đồ 2).
Biểu đồ 2 |
Để phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS ở Đắk Lắk, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất những phương hướng cụ thể sau:
Một là, phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS Đắk Lắk dựa trên cơ sở phát triển toàn diện nguồn lực của đồng bào. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn lực con người, mở rộng nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất.
Để huy động và sử dụng nguồn lực con người, cần nâng cao trình độ, đào tạo kỹ năng và động viên tinh thần quyết tâm vươn lên làm giàu của người DTTS. Thay vì cách tiếp cận giảm nghèo, nên tiếp cận hỗ trợ cho người có quyết tâm, có tri thức và kỹ năng làm giàu một cách hợp pháp.
Hai là, phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS Đắk Lắk thông qua hỗ trợ hộ gia đình giảm nhẹ rủi ro, nâng cao khả năng thích ứng, chủ động chống đỡ với bối cảnh dễ gây tổn thương.
Ba là, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả của các hoạt động sinh kế, ưu tiên phát triển hợp lý các hoạt động sinh kế ít rủi ro, có tính bền vững.
Bốn là, nâng cao năng lực thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và đề cao đạo đức vì dân của cán bộ.
Đồng chí Phan Xuân Lĩnh – Phó CT thường trực hội đồng KH&CN – Nguyên GĐ Sở KH&CN Đắk Lắk |
Với những kết quả đạt được, ngày 17/04/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nghiệm thu đề tài trên. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao ý nghĩa của việc thực hiện đề tài và hiệu quả kinh tế, xã hội của đề tài, đồng thời nhất trí thông qua kết quả thực hiện của đề tài và xếp loại Xuất sắc. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần hoàn thiện và bổ sung vào báo cáo theo quy định của một báo cáo khoa học.
TS Đinh Khắc Tuấn – CT Hội đồng Nghiệm thu phát biểu kết luận |
Theo Cát Lâm