84 công trình thắng giải Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Ngày đăng: 02/05/2024 08:23
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/05/2024 08:23
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) và TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (hàng đầu thứ 4 từ phải qua) trao cho các tác giả giải nhất.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) và TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (hàng đầu thứ 4 từ phải qua) trao cho các tác giả giải nhất. |
Hội thi vinh danh những công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế.
Theo Ban Tổ chức, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc có 6 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo (với 127 giải pháp); Nông, lâm, ngư nghiệp và môi trường (115); Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông (111); Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (90); Y dược (77); Vật liệu, hóa chất, năng lượng (67).
Trong đó 6 giải pháp giải Nhất đến từ các tác giả TP Hà Nội, Quảng Ngãi, Thừa Thiên -Huế, Bộ Quốc Phòng (3 giải).
Những công trình thắng giải được Hội đồng giải thưởng lựa chọn trong số 587 hồ sơ tham gia, trao 6 giải nhất (mỗi giải 50 triệu đồng), 12 giải nhì (mỗi giải 40 triệu đồng), 24 giải ba (mỗi giải 30 triệu đồng) và 42 giải khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng).
Giải nhất lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng, trao cho giải pháp "Cải tiến hệ thống xuất nhiên liệu FO và tối ưu hóa điều kiện vận hành để nhập bổ sung nguyên liệu cho phân xưởng RFCC qua cảng xuất sản phẩm Jetty và chế biến tại nhà máy lọc dầu Dung Quất" của tác giả Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công trình đưa ra giải pháp cải tiến hệ thống xuất nhiên liệu FO từ nhà máy ra khu xuất sản phẩm tại cảng Jetty, tối ưu hóa điều kiện vận hành nhằm chế biến, giúp tăng thêm công suất vận hành phân xưởng RFCC từ 10-15%. Nghiên cứu góp phần tăng thêm nguồn cung xăng dầu, tăng cường độ ổn định về an ninh năng lượng xăng dầu.
Giải pháp "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng bộ binh" của tác giả Thiếu tá, ThS Đoàn Văn Dũng, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Công trình đưa ra các giải pháp cốt lõi mà các nghiên cứu trước đây chưa làm được. Thứ nhất là sử dụng công nghệ laser với khả năng loại trừ độ nhiễu do ánh sáng trong đánh giá kết quả ngắm bắn của người tập. Điểm mới ở chỗ giải quyết được hoàn toàn vấn đề nhiễu bởi ánh sáng khi sử dụng trong điều kiện ngoài trời thậm chí ngay cả khi trưa nắng gay gắt. Thứ hai, mô phỏng được đầy đủ các thao tác và quá trình sử dụng giống như trên súng thật, trong đó sử dụng năng lượng điện từ để tạo lực giật mô phỏng kết hợp với hệ thống âm thanh tạo tiếng nổ. Đây là giải pháp có nhiều ưu điểm với lực giật mạnh, an toàn, phù hợp phát triển áp dụng nhiều loại súng bộ binh.
Giải nhất lĩnh vực y dược thuộc về công trình "Ứng dụng kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán DTI khảo sát các bó sợi thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên tại bệnh viện trường Đại học Y - Dược - Đại học Huế", của tác giả PGS.TS Nguyễn Thanh Thảo, Trường Đại học Y dược, Đại học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghiên cứu thực hiện tối ưu hoá kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán Tensor ở thần kinh trung ương và ngoại biên. Dựng hình thể hiện tương quan các bó sợi chất trắng với các khối u não, cung cấp thêm các thông tin cấu trúc và chức năng cho lâm sàng để lên kế hoạch trước phẫu thuật thần kinh. Nhóm triển khai ứng dụng trong nghiên cứu khoa học với quy trình phân tích chất trắng tự động theo nhóm. Quy trình phân tích tính toàn vẹn chất trắng cũng lần đầu tiên được thử nghiệm ở Việt Nam trên nhóm bệnh nhân đau nửa đầu. Giải pháp kỹ thuật có tính mới, bước đầu đặt nền móng, định hướng và mở ra nghiên cứu tương lai ở lĩnh vực khoa học thần kinh và khoa học chẩn đoán hình ảnh thần kinh.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang (ngoài cùng hàng đầu bên phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì. |
Giải pháp "Nghiên cứu, thiết kế mô đun điều khiển và truyền thông ứng dụng cho các thiết bị điện thông minh trong hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ Smart Home" của tác giả ThS Nguyễn Đoàn Kết, Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ kỹ thuật số, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, TP Hà Nội, thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Công trình thiết kế mô đun điều khiển và truyền thông sử dụng chuẩn Bluetooth Mesh ứng dụng cho các thiết bị điện thông minh làm nền tảng để phát triển các sản phẩm ứng dụng trong SmartHome. Trong đó 6 nhóm thiết bị (tiện nghi chiếu sáng, điều khiển kết nối, an ninh an toàn, giải trí tại nhà, gia dụng thông minh và quản lý năng lượng)... ứng dụng công nghệ mới như IoT, AI vào sản phẩm. Kết quả đề tài ứng dụng thiết kế, đóng gói về phần mềm lẫn phần cứng để sản xuất đèn LED, thiết bị thông minh phục vụ thương mại, cung cấp sản phẩm đầu cuối cho công ty công nghệ.
Ở lĩnh vực cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, giải nhất thuộc về "Nghiên cứu, thiết kế các bộ phận phục vụ sản xuất xe kéo giỏ hàng có dùng robot hàng tự động, sơn tự động" của tác giả Trung úy Kỹ sư Đỗ Đức Hạnh, Nhà máy 17, Tổng cục Công nghiệp - Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Công trình ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tự động và bán tự động vào các khâu để tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, cải thiện môi trường làm việc để sản xuất xe kéo giỏ hàng xuất khẩu. Nhóm nghiên cứu thiết kế dây chuyền sản xuất liên tục vào quá trình tổng lắp cụm sản phẩm, đồ gá chuyên dụng cho từng nguyên công, qua đó giảm thiểu thời gian và vật tư.
Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và môi trường giải nhất thuộc về nghiên cứu "Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển ven các đảo không tiếp cận được thuộc quần đảo Trường Sa trên cơ sử ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS", của tác giả Trung tá. TS Phan Quốc Yên, Học viện kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.
Nghiên cứu đã thu thập số liệu từ xa tại một thời điểm bất kỳ cho các khu vực không tiếp cận được bằng công nghệ viễn thám và GIS, nhằm hỗ trợ giám sát nhanh sự thay đổi diễn biến môi trường nước biển. Tính mới công trình là thực nghiệm, đánh giá và xác định được các tham số mô hình tính các tham số môi trường nước biển khu vực quần đảo Trường Sa (nhiệt độ, độ mặn, độ đục, địa hình và địa mạo đáy biển vùng nước nông, kiểu chất đáy) từ ảnh viễn thám quang học và tư liệu GIS. Từ đó đề xuất quy trình, phần mềm hỗ trợ xây dựng mô hình và tính toán xác định một số tham số môi trường ven đảo khó tiếp cận thuộc quần đảo Trường Sa.
Các dự án đoạt giải được nhận bằng khen và tiền thưởng của ban tổ chức, bằng Lao động sáng tạo từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả của các đề tài đoạt giải nhất và bằng khen cho tác giả của các đề tài đoạt giải nhì và ba trong độ tuổi 35 trở xuống.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Quỹ Vifotec, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tổ chức hai năm một lần từ năm 1989. Sau hơn 30 năm, có khoảng 8.000 giải pháp dự thi trong đó gần 1.000 được trao giải. Các tác giả được vinh danh là nhà khoa học, nông dân, công nhân có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên cả nước.
Vnexpress