80% trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp phụ thuộc nhập khẩu
Ngày đăng: 21/09/2022 18:34
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/09/2022 18:34
Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp cơ khí nhưng khoảng 80% máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp vẫn là hàng nhập khẩu. Chuyên gia Đại học Nông Lâm TPHCM chia sẻ trong hội thảo “Cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. Hội thảo diễn ra ngày 24/8 tại TP Cần Thơ trong khuôn khổ Agri Technica Asia Live 2022.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí; 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó, có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy.
Cơ giới hoá trong một số lĩnh vực nông nghiệp hiện có tỷ lệ khá cao, 70 - 100% trong trồng trọt còn chăn nuôi đạt từ 55 - 90%.
Tuy vậy, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, cho biết cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số lĩnh vực như lâm nghiệp, khai thác thủy sản… còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.
Các chuyên gia đã đưa ra những số liệu ước tính. Trong giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%; máy cấy tăng gấp 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thuỷ sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần…
Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và cơ giới hóa trong nông nghiệp nói riêng. Chủ trương phát triển cơ giới hóa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động. Ảnh minh họa |
Thế nhưng thực tế là theo ông Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - Công nghiệp thuộc Đại học Nông lâm TPHCM, với hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp do Việt Nam sản xuất chỉ được sử dụng khoảng 20%, còn khoảng 80% phải nhập khẩu. Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà.
Theo ông Bích, trong khi ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, lực lượng lao động phục vụ cho ngành này ngày càng giảm, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, ông Bích cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề cơ giới hoá, Việt Nam có thể rơi vào thực trạng giống như Nhật Bản. Đó là 65% lao động của Nhật trong ngành nông lâm nghiệp trên 55 tuổi.
Nhật Bản đã giải quyết bằng cách áp dụng cơ giới hoá không người lái và việc này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực ở trình độ cao. Các trường đại học Nhật đã tăng cường đào tạo ngành cơ khí.
Còn tại Đại học Nông Lâm TPHCM, 57 năm đào tạo, nhưng theo thống kê, sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp là rất ít. Từ năm 2000 - 2015, năm 2010 -2011 không một sinh viên nào theo học ngành cơ khí nông nghiệp. Những năm trước đó cũng chỉ có 9 - 17 sinh viên theo học.
Từ những năm 2012 trở đi, sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp có tăng lên và đạt khoảng 70 - 80 sinh viên ở những năm 2015 - 2021.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” từ ngày 24 - 26/8/2022 tại TP Cần Thơ.
Đây là sự kiện quốc tế trọng điểm mang dấu ấn của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong năm 2022 nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Qua đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân tham gia trưng bày, triển lãm các công nghệ, thiết bị, sản phẩm đặc sản, của địa phương… tại sự kiện.
Tổ chức đưa nông dân, người sản xuất đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về cơ giới hóa, góp phần tạo động lực chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Khoahocphattrien