Nhà khoa học phải bồi thường nếu đề tài nghiên cứu trễ hạn
Ngày đăng: 17/07/2015 09:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/07/2015 09:03
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, nhà khoa học có thể sẽ bị công khai danh tính, thậm chị bị khởi kiện, phải bồi thường nếu trễ hạn nghiên cứu theo hợp đồng.
Đề tài nghiên cứu khoa học cần phải có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng ngay vào đời sống và phù hợp với nhu cầu của người dân |
47% đề tài nghiên cứu khoa học của TP.HCM trễ hạn
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM trong buổi họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Sở mới được tổ chức vừa qua.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã cấp kinh phí hơn 21 tỷ đồng cho 18 đề tài nghiên cứu mới, 14 đề tài nghiệm thu và 16 đề tài tiếp tục thực hiện. Trong đó, một số đề tài như Chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG -8V1, máy vắt bã sắn VBS-14, công nghệ xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ … có thể chuyển giao và ứng dụng được ngay.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học bị trễ hạn đang chiếm tỷ lệ lớn với hơn 47%. Theo ông Dũng, đây là một con số thực sự đáng báo động.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như phương tiện kỹ thuật, máy móc còn hạn chế, ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, ông Dũng cho rằng, nguyên nhân rất lớn nằm ở chính những chủ nhiệm đề tài.
Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học đang nhận nghiên cứu những đề tài không đúng hoặc không sát với chuyên môn mà mình được học. “Chúng ta không thể nào kỳ vọng một ông kỹ sư chưa bao giờ học về điện gió có thể làm một đề tài nghiên cứu về điện gió, hay một y bác sĩ có thể nghiên cứu về vấn đề xã hội. Bởi khi nhận những đề tài trái chuyên môn như thế, họ không đủ năng lực để hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng”.
Trở ngại của nhiều nhà khoa học đôi khi lại nằm ở chính cơ quan chủ quản bởi nhiều đơn vị vẫn chưa mặn mà lắm với việc tạo điều kiện cho cán bộ của mình chuyên tâm nghiên cứu. “Người ta trả tiền lương cho anh, thì tất nhiên sẽ muốn anh chuyên tâm lao động, giảng dạy để mang lại giá trị lợi ích cho họ thay vì dành toàn thời gian vào nghiên cứu. Khi thời gian bị phân tán, tất yếu sẽ dẫn tới việc thời hạn nghiệm thu đề tài sẽ không diễn ra được theo ý muốn ban đầu”.
Ở góc độ quản lý, hiện nay, việc xét duyệt và cấp kinh phí thực hiện đềtài vẫn còn mang nặng tính cảm quan, chưa có những tiêu chí cụ thể về khả năng ứng dụng của đề tài sau nghiên cứu hay đánh giá xem chủ nhiệm đề tài đã có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực đó hay chưa. Việc quản lý đề tài nghiên cứu giữa các đơn vị trong Sở cũng còn mang nặng tính hình thức, nhiều khi đùn đẩy trách nhiệm qua lại cho nhau, dẫn tới tình trạng đề tài nghiên cứu trễ hạn ngày một nhiều.
Đẩy mạnh nghiên cứu đề tài khoa học có tính ứng dụng cao
Để giải quyết vấn đề này, ông Dũng đề nghị, sắp tới đây, Sở sẽ cần xác định lại nhiệm vụ của các đơn vị phòng ban về quản lý khoa học. Trong đó, đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp TP do phòng ban nào chịu trách nhiệm sẽ được quy định rõ ràng. Các đơn vị phải có trách nhiệm với phần việc mà mình được giao quản lý. Khi xảy ra tình trạng trễ hạn nghiệm thu, phải biết nguyên nhân vì sao, xử lý thế nào để báo cáo lên Ban giám đốc.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ xây dựng một bộ quy chế với những quy định, chế tài rõ ràng để xử lý đề tài trễ hạn. “Nếu anh không làm đúng cam kết, không hoàn thành theo tiến độ được giao mà không có nguyên nhân chính đáng thì phải bồi thường theo mức mà hợp đồng đã quy định. Nếu cần thiết, Sở sẽ xem xét lập danh sách và công khai danh tính các chủ nhiệm trễ hạn hoặc khởi kiện một số chủ nhiệm không thực hiện đúng hợp đồng nghiên cứu. Tôi tin rằng, nếu chúng ta kiên quyết, số lượng đề tài trễ hạn chắc chắn sẽ giảm xuống rất nhanh”.
Cũng theo ông Dũng, từ trước tới nay, chúng ta vẫn cứ gộp chung 2 khái niệm khoa học và công nghệ, nhưng trên thực tế, đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Khoa học thì chỉ là nghiên cứu, nhưng công nghệ là những thứ ứng dụng được vào thực tiễn, là cái nắm bắt được ngay. Đối với những nước đang phát triển, hầu hết đều tập trung vào phát triển công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế, sau đó mới làm khoa học.
Do đó, trong thời gian tới, việc xét duyệt đề tài cần chú trọng vào những đề tài có tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng ngay vào đời sống và phù hợp với nhu cầu của người dân. Chỉ khi làm được như thế, khoa học và công nghệ mới chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
Theo Khampha.vn