Gel tiêm chữa lành vết thương
Ngày đăng: 29/06/2015 10:11
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/06/2015 10:11
Các nhà nghiên cứu từ trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Henry Samueli, Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã phát triển một loại hydrogel tiêm giúp các vết thương trên da mau lành hơn. Vật liệu này tạo ra ngay lập tức một giàn giáo cho phép mô mới bám vào và phát triển trong các khoang được hình thành giữa các quả cầu gel liên kết với nhau.
Các nhà nghiên cứu UCLA đã phát triển một loại gel tiêm có tác dụng thúc đẩy nhanh hơn việc chữa lành và tái tạo mô ở vết thương trên da. |
Các bác sĩ điều trị vết thương trên da cố gắng giữ cho khu vực này ẩm do vết thương khô sẽ lành chậm hơn rất nhiều so với vết thương ướt. Để làm điều này, họ thường sử dụng băng hay màng hydrogel để băng kín vết thương và tạo độ ẩm. Trong các trường hợp khác, thuốc mỡ thường được sử dụng để làm kín vết thương, giống như vá ổ gà trên đường bằng nhựa đường. Tuy nhiên, không có vật liệu nào trong số này đem lại một giàn giáo tối ưu để mô mới phát triển khi giàn giáo thoái hóa. Kết quả là sự phát triển của mô mới tương đối chậm và yếu ớt.
“Việc chế tạo được một loại vật liệu sinh học thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh chóng trong khi vẫn duy trì được sự hỗ trợ cấu trúc là một Chén thánh trong lĩnh vực kỹ thuật mô”, Di Carlo, giáo sư kỹ thuật sinh học, đồng tác giả nghiên cứu, nói. “Chúng tôi đã chế tạo được loại vật liệu như vậy ở dạng tiêm bằng cách kết hợp hóa học vật liệu thiết kế và chế tạo vi lỏng các khối xây dựng hình cầu đồng đều, mỗi khối có kích thước bằng khoảng chiều rộng của một sợi tóc”.“Công nghệ của chúng tôi rất đơn giản, do công nghệ này sử dụng bất kỳ hóa chất có sẵn nào để tạo ra các gel cực nhỏ có thể lắp ráp thành một đơn vị lớn, tạo ra một quá trình cho sự xâm nhập của tế bào”, Segura, phó giáo sư kỹ thuật sinh học phân tử và hóa học, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Kết quả là một cụm được đóng gói gồm các khối cầu polyme tổng hợp cực nhỏ gắn với nhau tại bề mặt của chúng, một cái gì đó giống như một lọ kẹo trong đó các viên kẹo cao su tròn dính với nhau. Cụm này tạo ra một giàn giáo các hạt xốp li ti, hay gel MAP, làm kín vết thương. Mô mới nhanh chóng phát triển vào trong các khoảng trống giữa các khối cầu nhỏ xíu và do các khối cầu này thoái hóa bên trong cơ thể, một ma trận mô mới phát triển nằm lại vết thương. Mô mới tiếp tục phát triển cho đến khi vết thương lành lặn hoàn toàn.
“Ưu điểm của gel MAP là không có các yếu tố tăng trưởng bổ sung khác mà các công nghệ khác cần để thu hút các tế bào vào vật liệu”, Weaver cho biết. “Hình học của các mạng gel MAP dụ các tế bào di trú vào trong gel mà không cần bất cứ một thứ gì khác ngoài một peptit kết dính tế bào, do đó các tế bào có thể bám vào gel”.
Các nhà nghiên cứu chứng minh gel MAP có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mới và hình thành các mạng tế bào liên kết ở các tốc độ trước đây chưa từng thấy. Trong các thí nghiệm trong cơ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự tái tạo mô đáng kể trong 48 giờ đầu tiên, với việc chữa lành vết thương nhiều hơn rất nhiều trong thời gian 5 ngày so với các vật liệu hiện nay. “Chúng tôi mường tượng ra rằng vật liệu này sẽ hữu ích cho một loạt các ứng dụng chữa lành vết thương, từ tổn thương cấp tính, giống như các vết rách và vết thương phẫu thuật, đến các tổn thương mãn tính khác như viêm loét do tiểu đường và các vết bỏng có diện tích lớn”, Griffin nói. Ông lưu ý rằng các giàn giáo hydrogel này có thể hữu ích trong các tình huống điều trị chấn thương, chẳng hạn như ở chiến trường hoặc tại phòng cấp cứu.
Theo Vista.gov.vn