Chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ còn gặp khó
Ngày đăng: 04/05/2015 08:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/05/2015 08:16
Nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN) hiện đang kêu khó do “độ vênh” giữa các Bộ, ngành trong việc ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho DN Khoa học Công nghệ vẫn chưa có sự đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành. |
DN KHCN – Đạt được đã khó, giữ được còn khó hơn
Đó là chia sẻ của nhiều chủ DN KHCN tại TP.HCM trong việc xây dựng hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp Khoa học Công nghệ.
Theo quy định, doanh nghiệp (DN) nếu muốn được chứng nhận là DN KHCN phải có được sản phẩm, công nghệ do mình tự nghiên cứu ra hoặc sở hữu hợp pháp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp M.T.C, trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đủ kinh phí lẫn nhân lực để đầu tư cho việc nghiên cứu trong thời gian dài nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hơn nữa, chưa kể việc khi nghiên cứu ra sản phẩm rồi, các DN còn phải chờ thẩm định từ Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, họ phải lập hồ sơ, giấy tờ xin chứng nhận từ phía Sở Khoa học & Công nghệ có khi cả năm trời nhưng vẫn chẳng đâu vào đâu. Điều này dẫn đến tâm lý ngại đăng ký của nhiều doanh nghiệp.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trí, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ thông minh ưu việt cho rằng, nếu muốn phát triển mạnh các DN KHCN, Nhà nước cần phải có sự đầu tư, giúp đỡ DN ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất, hướng tới việc Nhà nước và DN cùng nhau song hành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, “Việc hỗ trợ này cần phải có đầu tư trọng điểm, tập trung vào những ngành công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao chứ không nên đầu tư dàn trải, dẫn tới việc cái gì cũng có nhưng cái gì cũng thiếu, đầu tư nửa vời gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như ngân sách của Nhà nước”, ông Trí cho hay.
Còn theo ông Đồng Xuân Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp xây dựng HT, để đạt được chứng nhận DN KHCN đã khó, nhưng giữ được chứng nhận DN KHCN lại càng khó hơn gấp nhiều lần.
Theo quy định đối với DN KHCN, doanh thu của sản phẩm KHCN năm đầu tiên phải đạt 30% trong tổng doanh thu, năm thứ 2 là 50% và năm thứ 3 trở đi là 70%. Theo ông, đây là một con số nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.
Lý giải nguyên nhân, ông Dũng cho biết, hiện nay nhiều DN KHCN đang cùng một lúc kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một hoặc vài sản phẩm là thuộc danh mục sản phẩm khoa học công nghệ. Những sản phẩm này đôi khi không phải là sản phẩm chủ đạo, thế nên việc áp dụng định mức 30%, 50% hay 70% tổng doanh thu là gây khó cho doanh nghiệp.
“Thay vì quy định như vậy, tại sao chúng ta không đưa ra định mức về giá trị gia tăng của sản phẩm. Ví dụ như năm thứ 2, sản phẩm phải có giá trị gia tăng 10% so với năm thứ nhất, năm thứ 3 thì cao hơn 10% so với năm thứ 2…. Như thế, vừa giảm áp lực cho doanh nghiệp, vừa thúc đẩy các đơn vị tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm công nghệ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nước nhà”, ông Dũng nói thêm.
“Độ vênh” pháp lý
Trong khi quy định về những chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho DN KHCN đã được Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành, thì trên thực tế, khi đi vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã “kêu trời” khi giữa các Bộ, Ngành, đặc biệt là ngành Thuế đã không có sự phối hợp đồng bộ với nhau.
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp M.T.C cho biết, theo quy định, DN KHCN được miễn hoàn toàn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Chỉ vì ỷ lại vào chính sách hỗ trợ đó, doanh nghiệp đã “ngã ngửa” khi bị ngành Thuế truy thu, bắt phạt vì không kê khai, nộp thuế theo niên hạn.
“Khi chúng tôi đưa ra chứng nhận DN KHCN, bên Thuế họ bảo không biết gì về chính sách hỗ trợ này, cứ theo đúng thủ tục pháp luật, giấy trắng mực đen mà làm. Nếu DN thực sự được miễn giảm thuế, có thể làm đơn và xin giấy chứng nhận từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền, khi đó ngành Thuế mới xem xét giải quyết được”. Theo ông Văn, chính sự thiếu đồng bộ trong chính sách ưu đãi này đã làm nhiều doanh nghiệp hoang mang, đồng thời tốn rất nhiều thời gian, công sức để xin các giấy tờ này nọ.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Xuất nhập khẩu Ngân Hà lại cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu một cơ chế bảo hộ các sản phẩm công nghệ độc quyền của DN KHCN trong nước.
“Hiện tại, công ty chúng tôi có hàng chục sản phẩm được bảo hộ độc quyền trên toàn thế giới. Hàng năm, số tiền phải chi trả cho việc chứng nhận này lên đến vài tỷ đồng. Nhưng theo những gì tôi biết, hiện ở Việt Nam chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, giám sát xem có đơn vị nào làm giả sản phẩm của chúng tôi hay không. Khi có chuyện xảy ra, hầu như đều phải do doanh nghiệp tự bơi, tìm kiếm manh mối, bằng chứng rồi mới báo cho cơ quan chức năng xử lý. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e dè khi nghiên cứu sản phẩm mới, bởi họ sợ công sức của mình sẽ bị làm giả chỉ sau một thời gian ngắn đưa ra thị trường”.
Cùng với đó, bà Loan cũng cho rằng, Nhà nước và Bộ Khoa học Công nghệ cũng nên có những chính sách để sản phẩm của DN Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nước ngoài.
“Khi họp mặt một số DN KHCN ở phía Bắc, tôi được biết có một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu Vắc - xin, họ thậm chí không cần Nhà nước phải miễn giảm thuế hay áp dụng chính sách cho thuê đất, mà chỉ cần Nhà nước thoáng hơn, có cơ chế ưu đãi hơn cho họ trong việc cạnh tranh với sản phẩm Vắc – xin nước ngoài là được. Bởi chỉ cần như vậy, số tiền mà họ thu về được sẽ lớn hơn gấp nhiều lần số tiền thuế mà họ được miễn giảm. Vừa có lợi cho DN, vừa có lợi cho Nhà nước, lại có lợi cho toàn xã hội, vậy tại sao chúng ta lại không làm?”
Hiện nay, giấy chứng nhận DN KHCN do Sở KHCN các tỉnh cấp chỉ được thể hiện bằng tiếng Việt, theo nhiều DN, thời gian tới, Sở KHCN các tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận có hai thứ tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Như thế sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn khi đưa sản phẩm ra nước ngoài và nâng tầm giá trị của tấm bằng chứng nhận.
Theo Khampha.vn