“Lưu giữ Sài Gòn” lọt vào chung kết Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS sáng tạo
Ngày đăng: 04/04/2019 14:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/04/2019 14:10
Phát triển trên chính nền tảng dịch vụ HCMGIS, dự án “Lưu giữ Sài Gòn" giúp cho người dân và nhất là giới trẻ, hiểu về những công trình, kiến trúc cổ mang linh hồn của thành phố.
Đại diện dự án "Lưu giữ Sài Gòn" trình bày sản phẩm của mình trước Ban giám khảo |
Dự án này là 1 trong 9 dự án xuất sắc nhất được ban tổ chức lựa chọn để tham gia huấn luyện tại cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM 2018”. Đây đều là những dự án sáng tạo, có tính khả thi cao, tận dụng được khả năng ứng dụng nền tảng GIS.
Tại vòng huấn luyện, tác giả các dự án sẽ được các chuyên gia uy tín về cả kỹ thuật và chuyên môn góp ý, hướng dẫn bổ sung để hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, với nhóm dự án sử dụng nền tảng HCMGIS, chính các chuyên gia từ Trung tâm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TP.HCM sẽ hướng dẫn các tác giả sử dụng nền tảng một các hiệu quả và hợp lý nhất.
Với mong muốn lưu giữ và giới thiệu đến với cộng đồng những kiến trúc đẹp, những công trình di tích của Sài Gòn, nhóm sinh viên từ trường ĐH CNTT đã xây dựng dự án “Lưu giữ Sài Gòn”. Dự án được phát triển trên chính nền tảng dịch vụ HCMGIS.
Ông Quách Đồng Thắng, chuyên gia huấn luyện của nhóm, cho biết: “Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi sẽ hướng dẫn nhóm sử dụng HCMGIS OpenData để tham khảo và download vị trí các di tích trên bản đồ. Đồng thời, các dịch vụ HCMGIS GeoSurvey và HCMGIS StoryMaps cũng có thể được sử dụng để tạo và quản lý dự án sáng tác kí họa cũng như gắn kết các câu chuyện, hình ảnh với những di tích.”
Danh sách các dự án lọt vào vòng huấn luyện của cuộc thi |
Trong khi đó, nhóm kỹ sư của Công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành đã ứng dụng công nghệ GIS vào nghiên cứu, phát triển giải pháp quản lý sự cố cấp nước giúp giải quyết nhanh chóng các điểm rò rỉ.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Ban Quản lý giảm nước không doanh thu, Công ty ty Cổ phần cấp nước Bến Thành, chỉ tính trên địa bàn Quận 1 và Quận 3 của TP.HCM, số điểm rò rỉ nước mỗi năm là 2.500 - 3.000 điểm, gây thất thoát khoảng 18 triệu mét khối nước/năm.
Với ứng dụng này, khi nhận được thông báo, nhân viên sửa chữa có thể xem chính xác điểm rò rỉ trên bản đồ của hệ thống để nhanh chóng xử lý. Kết quả xử lý cũng được cập nhật ngay tại chỗ mà không cần về công ty báo cáo. Ước tính, trong năm 2018, lượng nước thất thoát tại quận 1, quận 3 đã giảm được 20%, tương đương hàng triệu mét khối nước.
Sau khi được huấn luyện, góp ý để hoàn thiện sản phẩm, các nhóm sẽ tham gia vòng chung kết cuộc thi được tổ chức vào tháng 5.2019. Ngoài những giải thưởng từ Ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp đạt giải sẽ được Sở KH&CN TP.HCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.
Theo Khampha.vn