Nghiên cứu đa dạng di truyền giống cá Butis và đặc điểm sinh học của loài B. humeralis và loài B. koilomatodon ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 13/01/2025 09:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/01/2025 09:26
Nhằm xác định được chỉ thị phân tử DNA ở ty thể (gen COI và Cytb) của giống cá Butis phục vụ cho công tác đánh giá đa dạng di truyền và phân loại học.
Bổ sung được dẫn liệu về hình thức tăng trưởng, hệ số điều kiện và sự biến động của những đặc điểm này theo giới tính, nhóm chiều dài cá, mùa vụ và điểm thu mẫu của hai loài cá B. humeralis và B. koilomatodon ở khu vực nghiên cứu (KVNC); xác định được tính ăn, phổ thức ăn và sự biến động của những đặc điểm này theo nhóm chiều dài, mùa vụ và điểm thu mẫu của hai loài cá B. humeralis và B. koilomatodon ở KVNC; xác định được một số đặc điểm sinh học sinh sản như mùa sinh sản, sức sinh sản và chiều dài thành thục đầu tiên của hai loài cá B. humeralis và B. koilomatodon ở KVNC và cung cấp được các thông số sinh học quần thể của hai loài cá B. humeralis và B. koilomatodon để làm cơ sở đánh giá khả năng khai thác của chúng ở KVNC, PGS. TS. Đinh Minh Quang cùng các cộng sự tại Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đa dạng di truyền giống cá Butis và đặc điểm sinh học của loài B. humeralis và loài B. koilomatodon ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long”.
Sau một Thời gian thực hiện (từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2020), đề tài đã khuếch đại thành công gen COI với kích thước khoảng 650 bp và gen Cytb với kích thước khoảng 1.000 bp của 2 loài B. humeralis và B. koilomatodon. Kết quả phân tích cây di truyền dựa trên trình tự gen COI của hai loài B. humeralis và B. butis ở các điểm thu mẫu cho thấy không có sự khác biệt về di truyền giữa hai loài và các điểm thu mẫu không ảnh hưởng đến gen COI. Ngược lại, gen Cytb giúp phân nhóm ba loài B. humeralis và B. butis và B. koilomatodon trong giống Butis rõ hơn so với gen COI. Biến động nhân tố môi trường giữa hai mùa mưa và nắng cũng như ở các điểm thu mẫu chưa có tác động rõ rệt lên di truyền của gen Cytb giữa ba loài.
Hai loài cá đều có số lượng cá đực nhiều hơn cá cái. Ở loài B. humeralis tỉ lệ giới tính tương đương 1,50 đực: 1,00 cái. Trong khi đó loài B. koilomatodon tỉ lệ giới tính tương đương 2,00 đực : 1,00 cái. Cả hai loài đều thuộc nhóm cá tăng trưởng đồng đẳng do b~3 và thích ứng tốt với môi trường chúng đang sống vì có hệ số điều kiện ~1.
Cá bống lưng cao và cá bống trân thuộc nhóm cá ăn động vật. Phổ thức ăn ở cá bống lưng cao gồm 4 nhóm chính như tép, cá nhỏ, giun nhiều tơ và thức ăn khác. Giáp xác (đặc biệt là tép) là nhóm thức ăn được sử dụng chủ yếu bởi loài này. Phổ thức ăn ở cá bống trân có sáu nhóm thức ăn được tìm thấy gồm có sáu nhóm chính bao gồm tép, cá nhỏ, còng, ốc, phiêu sinh và thức ăn khác.
Cả hai loài này đều thuộc nhóm cá đẻ nhiều lần trong năm và tập trung cao vào tháng 8 đến tháng 10. Cá bống trân B. humeralis và B. koilomatodon có chiều dài thành thục đầu tiên dao động lần lượt là 6,99 - 9,96 cm; 4,80 - 8,60 cm. Hai loài này đều có sức sinh sản cao và thể hiện mối quan hệ chặc chẽ giữa sức sinh sản với chiều dài và khối lượng cá.
Loài B. humeralis có phổ chiều dài rộng hơn so với loài B. koilomatodon và tập trung nhiều vào các nhóm 8 - 9 cm, 9 - 10 cm, 10 - 11 cm, và 11 - 12 cm, trong khi loài B. koilomatodon tập trung vào các nhóm 6 - 7 và 7 - 8 cm. Tuy nhiên cả hai loài này đều nằm trong tình trạng khai thác quá mức.
Kết quả này đã được xuất bản được sáu bài báo khoa học (ba bài trên tạp chí quốc tế ISI, ba bài trên tạp chí khoa học trong nước).
Như vậy, tính mới của đề tài là đã xác định được chỉ thị phân tử DNA trong ty thể (gen COI và Cytb) của những loài cá thuộc giống Butis ở KVNC. Cung cấp được tính ăn và phổ thức ăn cũng như sự biến động của tính ăn, phổ thức ăn theo giới tính, mùa và kích cỡ của hai loài cá cá B. humeralis và B. koilomatodon ở KVNC. Xác định được các hệ số GSI, HSI, các giai đoạn thành thục sinh dục, mùa vụ sinh sản, kích cỡ thành thục đầu tiên và sức sinh sản tuyệt đối của hai loài cá ở KVNC. Cung cấp được các thông số sinh học quần thể, hình thức tăng trưởng và hệ số điều kiện cũng như sự biến động của những yếu tố này theo giới tính, mùa và kích cỡ của 2 loài cá ở KVNC.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20495/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn