Xét duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ hiếu khí sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt tại huyện Cư M’gar”
Ngày đăng: 04/03/2016 10:09
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/03/2016 10:09
Ngày 03/3/2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội đồng xét duyệt đề tài KH&CN cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ hiếu khí sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt tại huyện Cư M’gar”. Đề tài do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cư M’gar chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, chủ nhiệm đề tài là Thạc sỹ Phạm Ngọc Huệ.
Toàn cảnh Hội đồng xét duyệt |
Lịch sử ủ hiếu khí đã có từ rất lâu, ngay từ khi khai sinh của nông nghiệp hàng nghìn năm trước Công nguyên. Tuy nhiên đến năm 1943, quá trình ủ hiếu khí mới được nghiên cứu một cách khoa học và báo cáo bởi Giáo sư người Anh, Sir Albert Howard thực hiện tại Ấn Độ. Đến nay đã có nhiều tài liệu viết về quá trình ủ hiếu khí và nhiều mô hình công nghệ ủ compost quy mô lớn được phát triển trên thế giới. Compost là sản phẩm giàu chất hữu cơ và có hệ sinh vật dị dưỡng phong phú, ngoài ra còn chứa các nguyên tố vi lượng có lợi cho đất và cây trồng. Sản phẩm compost được sử dụng chủ yếu làm phân bón hữu cơ trong nông ngjiệp hay các mục đích cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài ra, compost còn được biết đến trong nhiều ứng dụng, như là các sản phẩm sinh học trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, hay các sản phẩm dinh dưỡng, chữa bệnh cho vật nuôi và cây trồng.
Trên cơ sở nghiên cứu công nghệ sản xuất phân compost của Xí nghiệp xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, sản phẩm đã được chứng nhận có mặt trên thị trường với tên là phân bón compost nhãn hiệu “Con Voi”. Loại phân compost này đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận mã số TCCN-PB12-04-2015. Sản phẩm phù hợp bón cho các loại cây cao su, tiêu, điều… Chính vì vậy, dựa trên nền tảng công nghệ đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cư M’gar vận dụng vào tối ưu hoá quá trình ủ phân compost từ phế phụ phẩm nông nghiệp (vỏ cà phê, cây ngô, đậu…) và rác thải sinh hoạt cho hộ gia đình trên địa bàn huyện. Đề tài dự kiến được thực hiện trong 12 tháng, từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2016.
Ban Chủ nhiệm báo cáo thuyết minh đề tài |
Mục tiêu đặt ra của đề tài là ứng dụng công nghệ hiếu khí sản xuất phân hữu cơ (phân compost) từ phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt với quy mô hộ gia đình nhằm góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp và tiến tới nền nông nghiệp bền vững.
Qua báo cáo thuyết minh đề tài của đại diện cơ quan chủ trì, Hội đồng nhận thấy được sự cần thiết, tính mới và tính ứng dụng của đề tài, tuy nhiên còn một số nội dung của thuyết minh cần được chỉnh sửa, bổ sung cho chi tiết hơn. Hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất thông qua và cho phép thực hiện đề tài.
Theo Ngọc Hoàng