Xây dựng ngành hàng cà phê theo hướng đa giá trị
Ngày đăng: 13/03/2023 22:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/03/2023 22:25
Nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, sáng 12/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải sang) tham quan nông trại cà phê Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột). |
Bước nhảy vọt về chất lượng
Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, với diện tích cả nước hơn 710.000 ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Cây cà phê được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% sản lượng cà phê của cả nước. Trong đó Đắk Lắk và Lâm Đồng là hai tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên. Ngành hàng cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600 nghìn hộ nông dân với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai sau Brazil và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến năm 2022 diện tích cà phê Việt Nam có chứng nhận đạt 185,8 nghìn héc-ta, chiếm khoảng 26%.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá, cà phê Việt Nam không chỉ khẳng định được vị thế trên trường quốc tế mà còn có bước “nhảy vọt” về chất lượng, đặc biệt là cà phê Robusta. Thị trường cà phê đang thay đổi nhanh chóng, Robusta không chỉ chiếm tỷ trọng sản lượng lên 40% và còn được nhìn nhận đúng hơn về chất lượng khi cà phê Fine Robusta xuất hiện ngày càng nhiều ở các hội chợ, triển lãm cà phê đặc sản, các cuộc thi cà phê nhân, thi rang, thi pha chế và nhiều nhà rang, nhà nhập khẩu quan tâm tìm kiếm nguồn hàng.
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 558 nghìn tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm, chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Tổng diện tích cà phê tỉnh Đắk Lắk được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là hơn 45.674 ha, chiếm khoảng 22% diện tích cà phê toàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, xác định cây cà phê là thế mạnh của tỉnh, Đắk Lắk xác định không tăng diện tích cà phê mà tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trọng việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong giai đoạn tới.
Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê chất lượng cao
Cà phê là một trong những thức uống tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, vì vậy chất lượng cà phê là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu. Việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi quan trọng, phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam nhằm kích thích, khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (giữa) tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội thảo. |
Cà phê là một trong những thức uống tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, vì vậy chất lượng cà phê là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu. Việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi quan trọng, phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam nhằm kích thích, khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp.
Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng này trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ quả cà phê… Vì vậy, để tiếp cận nhiều thị trường cần chuẩn hóa quy trình bảo đảm chất lượng, xuất xứ, hướng đến những điểm khác biệt, độc đáo, gắn với câu chuyện hay trải nghiệm thực tế; cần lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong canh tác cà phê...”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan |
Ông Gerardo Patacocconi, Trưởng Ban hoạt động Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) chia sẻ, xu hướng cà phê quốc tế đang hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì vậy, ICO đã và đang xây dựng những chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ các quốc gia sản xuất cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu cũng như các quốc gia khác.
Để sản xuất cà phê chất lượng cao phát triển ngày càng bền vững, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Tin cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia liên kết với nông hộ để sản xuất các sản phẩm cà phê có chất lượng cao. Ngoài ra, cần xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao như hỗ trợ tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ cấp chứng nhận… Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp liên kết các hộ nông dân trồng cà phê, tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và gắn sản xuất với liên kết cùng doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ để tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị cao trên thị trường.
Theo TS. Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, chúng ta cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản. Theo Đề án “Cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ NN-PTNT đã đưa ra các giải pháp toàn diện từ bổ sung chính sách, tổ chức sản xuất, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nguồn vốn đầu tư, hợp tác quốc tế. Đây là chính sách rất quan trọng, chính thức mở ra thời kỳ phát triển ngành cà phê của đất nước theo hướng nâng cao giá trị bằng con đường chất lượng.
Báo Đắk Lắk