Vùng đô thị thân thiện với người đi bộ có tỷ lệ mắc tiểu đường và béo phì thấp hơn
Ngày đăng: 10/03/2022 09:59
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/03/2022 09:59
Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nội tiết Endocrine Reviews, người trưởng thành sống ở khu vực thuận tiện tiếp cận công viên và các hoạt động ngoài trời có tỷ lệ vận động cao hơn và nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và béo phì thấp hơn.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy hơn 40% người trưởng thành tại quốc gia này mắc bệnh béo phì, và 35 triệu người, tương đương với 11% dân số mắc bệnh tiểu đường. Quy hoạch các vùng đô thị theo hướng trở nên thuận tiện cho việc đi bộ có thể là một phương án hiệu quả về chi phi, thúc đẩy người dân hình thành và phát triển lối sống lành mạnh cho bản thân cũng như giải quyết hai loại bệnh này.
“Môi trường xây dựng (built environment) có thể góp phần làm tăng cường độ vận động của người dân khi được thiết kế và quy hoạch theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình giao thông năng động, như đi bộ và đạp xe, phát triển hơn các loại hình vận động thụ động khác, như sử dụng xe hơi”, đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ Gillian L. Booth tại Đại học Toronto (Canada) cho biết."Khi các loại hình giao thông năng động được người dân chuyển sang lựa chọn sử dụng nhiều hơn cũng có thể đồng nghĩa với việc người dân có thêm hoạt động thể chất, bên ngoài các chương trình tập luyện cố định khác, trong lịch biểu hàng ngày của họ”.
Môi trường xây dựng được định nghĩa là các cấu trúc nhân tạo, cung cấp không gian sống, làm việc và giải trí cho con người. Môi trường này bao gồm các tòa nhà, vùng lân cận, công viên, làn đường dành cho xe đạp, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố và phương tiện công cộng. Và theo nhóm tác giả, sức khỏe của con người chịu tác động từ chính các môi trường vật lý nhân tạo này.
Cụ thể hơn, kết quả phân tích 170 nghiên cứu trước đó về môi trường xây dựng và tác động đối với sức khỏe cộng đồng đều cho thấy mối liên hệ giữa các thành phố, vùng lân cận thuận tiện cho đi bộ và các hoạt động thể chất khác với tỷ lệ người dân sống ở đó có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường thấp hơn.
Đơn cử như nghiên cứu quần thể 32.767 người trưởng thành cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh béo phì sống ở vùng lân cận thuận tiện đi bộ là 43%, trong khi tỷ lệ này ở người sống ở vùng ít thuận tiện đi bộ hơn là 53%.
Tương tự, một nghiên cứu có quy mô mẫu gồm 1,1 triệu người trưởng thành với lượng đường trong máu bình thường đã đưa đến kết quả là sau 08 năm theo dõi, tỷ lệ người mắc tiền đái tháo đường trong số những người sống ở các vùng ít thuận tiện đi bộ tăng lên 20% so với khi bắt đầu nghiên cứu.
Một nghiên cứu khác có sự tham gia của 1,6 triệu người trưởng thành cũng cho thấy nguy cơ tiến triển thành bệnh tiểu đường cao hơn từ 30 - 50% ở những người sống trong khu vực thuận tiện đi bộ so với khu vực ít thuận tiện đi bộ.
Ngoài phát hiện về mối liên hệ nêu trên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí và mật độ tập trung dày đặc các nhà hàng ăn nhanh là những nguy cơ tiềm ẩn gây tiểu đường và về căn bản có thể làm giảm những lợi ích đem lại từ việc sống ở vùng lân cận thuận tiện đi bộ.
Theo đó, nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, nhà nghiên cứu Gillian L. Booth đã đưa ra một số đề xuất: “Chúng ta cần xây dựng và triển khai các chính sách thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh và tạo thêm nhiều cơ hội để khuyến khích người dân tham gia các loại hình giao thông năng động. Thiết kế và quy hoạch các vùng lân cận có tính đến yếu tố đem tới cho người dân thêm nhiều lựa chọn giao thông công cộng an toàn và hiệu quả, có làn đường dành cho xe đạp và lối đi bộ, có thể sẽ góp phần giảm ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện giao thông”.
Theo Vista.gov.vn