Triển khai “Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông” tại thành phố Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 25/04/2016 09:07
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/04/2016 09:07
Triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 của UBND tỉnh, từ ngày 25/4/2016 (theo Kế hoạch phối hợp số 12/KHPH-STTTT-UBND), Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Buôn Ma Thuột triển khai “Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông” tại thành phố Buôn Ma Thuột; lấy thành phố Buôn Ma Thuột để triển khai mô hình điểm về ứng dụng CNTT hiện đại hóa hành chính và xây dựng Chính quyền điện tử cấp huyện rồi nhân rộng toàn tỉnh.
Sở TT&TT và UBND Thành phố Buôn Ma Thuột họp triển khai hệ thống |
Việc triển khai “Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông” tại thành phố Buôn Ma Thuột nhằm phát triển dịch vụ công trực truyến mức độ 3 và 4 phục vụ cho người dân và doanh nghiệp nhằm hiện đại hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công từ cấp Chính quyền thành phố đến cấp xã, phường, đồng thời tích hợp, mở rộng và liên thông tất cả các hệ thống Một cửa điện tử cấp xã, phường theo cơ chế Một cửa liên thông và trực tuyến trên môi trường mạng theo lộ trình Chính phủ điện tử (Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015). Ngoài ra, hệ thống này còn giúp thực hiện tin học hóa quy trình chuyên môn, nghiệp vụ về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình ISO; công khai, minh bạch thông tin kết quả về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính công của từng cơ quan, đơn vị phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo các cấp; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính công, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Việc phát triển một hệ thống thông tin hành chính hiện đại góp phần đổi mới phương thức, tư duy lao động của cán bộ, công chức, nâng cao trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, tạo môi trường thuận lợi để người dân giám sát chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức cơ quan nhà nước và tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Hiệu quả của hệ thống này sẽ cho phép người dân nộp hồ sơ qua mạng từ Cổng dịch vụ hành chính công đến Bộ phận Một cửa để tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ và trả kết quả theo quy trình điện tử hiện đại (đạt trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4); công khai tình trạng xử lý hồ sơ; cho phép công dân, tổ chức theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ qua nhiều kênh (Website, tin nhắn, điện thoại,…); kiểm soát được đầu việc và tiến độ thực hiện công việc, công tác phối hợp được nhanh chóng, chính xác đối với cá nhân, tổ chức tham gia xử lý bộ thủ tục hành chính.
Một thuận lợi mà hệ thống này mang lại là lãnh đạo thành phố và các xã, phường có thể theo dõi, giám sát được tình hình hoạt động, quá trình giải quyết công việc của các đơn vị và cán bộ, công chức tham gia trong quy trình xử lý hồ sơ (theo cơ chế một cửa liên thông) để kịp thời chỉ đạo hoạt động chuyên môn, đồng thời làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức hàng năm.
Hệ thống là công cụ hiệu quả để giảm tiêu cực, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính công góp phần xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh; nâng cao hiệu quả, chất lượng trong phục vụ, công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền; rút ngắn thời gian trong tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ.
Bộ phận “Một cửa” phường Khánh Xuân (thành phố Buôn Ma Thuột) tiếp nhận và hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Đây là mô hình điểm được triển khai tại UBND thành phố Buôn Ma Thuột bao gồm các đơn vị chuyên môn trực thuộc có liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính công và 21 UBND xã, phường của thành phố. Thời gian triển khai cho đến khi đưa vào sử dụng là 09 tháng, từ tháng 04 đến hết tháng 12/2016. Dự kiến hệ thống đưa vào sử dụng, vận hành chính thức từ 01/01/2017, rồi nhân rộng mô hình này cho các huyện, thị xã của tỉnh.
Để triển khai hiệu quả hệ thống này, UBND thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và chính quyền địa phương các cấp nói chung phải kịp thời rà soát, công bố bộ thủ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo hướng tinh gọn, đơn giản về thủ tục, đồng thời phải xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phù hợp theo cấp độ “dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4” nhằm tránh những bất cập, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, phải có sự quyết tâm, trách nhiệm, hành động thiết thực của người đứng đầu cơ quan các cấp về thực hiện nhiệm vụ này. Từng cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần phục vụ, trách nhiệm với nhân dân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công, đổi mới tư duy, phong cách hành chính chuyên nghiệp và phù hợp yêu cầu phát triển.
Theo Daklak.gov.vn