Tin vui xuất khẩu đầu năm
Ngày đăng: 03/02/2023 09:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/02/2023 09:16
Trong không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh đã xuất đi những lô hàng đầu tiên của năm mới và có thêm nhiều đơn hàng ký kết. Đây là tín hiệu lạc quan về thị trường tiêu thụ nông sản trong năm 2023.
Chế biến cà phê tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. |
Nhiều triển vọng
Những ngày đầu năm mới, từ mồng 6 đến mồng 10 Tết, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đã xuất đi các lô hàng trị giá 6 triệu USD vào thị trường các nước châu Á.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, tháng đầu tiên của năm mới, doanh số xuất khẩu tại đơn vị tăng 10% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui, động lực để những đơn hàng tiếp theo hanh thông, thuận lợi cho cả năm.
Hoạt động xuất khẩu cà phê tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cũng đón tin vui ngay sau Tết Nguyên đán. Từ mồng 4 Tết, đơn vị đã ra quân, hoàn thiện các đơn hàng đưa ra thị trường thế giới. Không khí làm việc tại đơn vị khẩn trương, cẩn thận ở tất cả các công đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho hay, công ty đang tập trung làm những đơn hàng mới để kịp tiến độ giao hàng đúng hẹn cho đối tác nước ngoài ngay sau Tết Nguyên đán.
Ngoài thị trường truyền thống, năm nay đơn vị đang mong muốn xâm nhập sâu hơn vào thị trường Ấn Độ và các nước châu Âu. Công ty đặt mục tiêu và quyết tâm đưa mức tăng trưởng tăng 20 - 30% so với năm trước.
Theo nhiều DN xuất khẩu, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Đơn hàng dồi dào hơn hẳn những năm trước, nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước thuận lợi.
Riêng đối với mặt hàng cà phê, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới đối với cà phê Việt Nam tăng mạnh, giá cũng đang có xu hướng tăng. Mặt hàng cà phê có chất lượng đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Loại nông sản này tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế của tỉnh. Hiện, hầu hết các DN đã có đơn hàng đến hết quý II, để vững vàng tiến lên phía trước.
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội bứt phá
Nhiều DN xuất khẩu của tỉnh nhìn nhận, mới đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu có sự lạc quan và hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trên đà này, các DN sẽ nắm bắt và tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội bứt phá mới cho cả năm 2023.
Tuy nhiên, muốn vươn xa trên thương trường quốc tế, các DN xuất khẩu cần nỗ lực nhiều để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Đây cũng là những thách thức mà DN đang phải đối mặt.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nông sản của tỉnh có nhiều triển vọng, nhất là cà phê, tiêu, sầu riêng... để xuất khẩu, thu về giá trị tương thích.
Song các DN cần phải thay đổi tư duy, tập trung sản xuất phù hợp với những quy định và luật lệ quốc tế. DN cần nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng cho mình kế hoạch hành động, đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tác, xây dựng uy tín, thương hiệu của mình.
Ở góc độ DN xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho rằng, hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khối châu Âu đã thuận lợi hơn nhiều; các hiệp định thương mại tự do được ký kết cũng tạo ra nhiều ưu đãi về thuế, cơ chế cho DN. Đây sẽ là động lực để đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu, đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh hiện diện tại thị trường này.
Ông Lợi đánh giá, tư duy sản xuất cũng như năng lực của DN Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể, trong đó có nhiều đơn vị đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm mẫu mã, quy cách phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn, giúp hoạt động xuất khẩu của DN tiếp tục có sự bứt phá trong năm 2023.
Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak, để giữ vững vị thế và nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam thì việc tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, ổn định diện tích trồng cà phê đạt chất lượng là một trong những giải pháp cần chú trọng.
Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ nghiên cứu, tận dụng lợi thế của Nghị quyết "về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk" của Quốc hội để phát triển thương hiệu cà phê, mở rộng quy mô, năng lực chế biến sâu ngành cà phê tại tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục tập trung chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ, tìm kiếm các giải pháp tiết giảm chi phí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong xu thế hội nhập.
Báo Đắk Lắk