Thực hiện kịch bản tăng trưởng năm 2023: Tập trung nguồn lực, đồng bộ giải pháp
Ngày đăng: 15/02/2023 08:18
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/02/2023 08:18
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đề ra những kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) khá cao. Do đó, các cấp, ngành của tỉnh sẽ phải tập trung huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Sản xuất giày tại một doanh nghiệp ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk. |
Chủ động với các mục tiêu
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Dự báo năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực tiếp tục còn những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thách thức tác động đến phạm vi đất nước và tỉnh; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng, lạm phát tăng mạnh... sẽ tác động trực tiếp đến các lĩnh vực KT-XH, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Mục tiêu của tỉnh trong năm nay là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng mạnh khoa học công nghệ, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số….
Tỉnh đưa ra một số chỉ tiêu KT-XH là tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 62.900 - 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8 - 8% so với năm 2022, GRDP đầu người đạt 62,3 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 35.200 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước 10.100 tỷ đồng…
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. (Trong ảnh: Thi công Dự án đường Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột). |
Trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đề ra, UBND tỉnh bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” để xây dựng, ban hành Chương trình hành động, từ đó chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023.
Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết chuyên đề, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra và 6 nhóm giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 29/NQ/HĐND, ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh tỉnh Đắk Lắk 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời triển khai thực hiện tốt các kết luận, nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2023 là tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là tập trung cho các công trình, dự án có tác động tích cực lan tỏa, phục hồi phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án cấp bách, quan trọng, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các thủ tục chuẩn bị khởi công đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, hồ Yên Ngựa...; phối hợp với Bộ Y tế triển khai Dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên.
Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại; hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh có tính mở kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, công dân điện tử, tiến tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Vận hành có hiệu quả Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), xây dựng TP. Buôn Ma Thuột hướng tới đô thị thông minh.
Một giải pháp quan trọng của tỉnh là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan sẽ nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, thiếu cụ thể; đồng thời rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lắp, lãng phí chi phí của xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiến hành điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng luật pháp của doanh nghiệp. Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị phải nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là về tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số. Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thẩm định nhu cầu sử dụng đất các dự án đầu tư nhằm đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách và quỹ đất kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, nhất là các dự án vi phạm pháp luật đất đai để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. |
Báo Đắk Lắk