Thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội
Ngày đăng: 06/09/2016 09:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/09/2016 09:10
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Đắk Lắk đã tập trung mọi nguồn lực huy động đầu tư phát triển tầng thiết yếu, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển, rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Đoàn công tác của Viện Chiến lược phát triển đi khảo sát thực tế công trình hạ tầng hệ thống thủy lợi Krông Búk Hạ (huyện Krông Pắc). |
Hạ tầng giao thông từng bước phát huy tốt vai trò kết nối
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực được tập trung đầu tư với hệ thống đường hàng không, đường bộ không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải thiện. Toàn tỉnh có tổng chiều dài đường bộ trên 10,3 nghìn km, gồm 6 tuyến quốc lộ (619 km), 12 tuyến tỉnh lộ (351 km), 751 đường đô thị, đường huyện có 71 tuyến (gần 1.400 km), đường xã 760 tuyến (3.220 km), đường thôn buôn khoảng 4.079 km. Trong đó, đã nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa 95,5% tỉnh lộ, 82,1% đường huyện, 42% đường xã. Hạ tầng giao thông cơ bản đã phát triển đồng bộ, liên hoàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Trong giai đoạn 2012-2016, nhiều dự án (DA) đầu tư cho hạ tầng giao thông được đầu tư góp phần quan trọng trong phục vụ đời sống sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương, trong đó có thể kể đến một số DA giao thông huyết mạch, giữ vai trò kết nối. DA đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Đắk Lắk với tổng chiều dài 126 km, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột 23,6 km và đoạn từ cầu 110 – Buôn Ma Thuột. DA cải tạo đường Hồ Chí Minh từ đường Đinh Tiên Hoàng nối với đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng đang chuẩn bị triển khai; tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đã được phê duyệt với tổng chiều dài 26,06 km, tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng đang thực hiện giải phóng mặt bằng dự kiến khởi công trong tháng 9-2016. Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với tổng chiều dài toàn tuyến 423 km, trong đó đoạn qua Đắk Lắk 81,5 km, đã hoàn thành giai đoạn 1 (nền, mặt đường, công trình cầu, cống), giai đoạn 2 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn triển khai xây dựng giai đoạn 2016-2020. DA nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (Km 91+383 – Km 98+800) đã khởi công tháng 5-2016, dự kiến hoàn thành quý IV-2016; hiện Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Quốc lộ 26 đối với đoạn Km11+504– Km91+383, Km98+800 – Km142+000 và Km 146+000 – Km151+000 để có thể triển khai trong giai đoạn 2016-2020…
Lao động sản xuất tại Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột. |
Tuy còn một số tuyến quốc lộ hiện đang bị xuống cấp như Quốc lộ 27, 14C, 29 nhưng có thể thấy hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh những năm qua được Chính phủ, bộ ngành trung ương quan tâm đầu tư đã góp phần quan trọng trong giao lưu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Giai đoạn 2012-2016, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 10.520 tỷ đồng, chiếm 14,8% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nguồn lựcBáo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc với đoàn công tác của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2012-2016 được phân bổ trên địa bàn tỉnh 71.275,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ các nguồn lực: Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư Nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài… Trong đó đã tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực như: nông, lâm nghiệp và thủy sản (21.648 tỷ đồng), công nghiệp (13.144,36 tỷ đồng), giao thông vận tải (10.521 tỷ đồng), cấp nước và xử lý rác thải (5.426 tỷ đồng), giáo dục đào tạo (4.750 tỷ đồng), y tế (1.641 tỷ đồng)… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 12.652 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ), trong đó chủ yếu ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông và thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách là “chìa khóa” để mở ra cơ hội cho nhà đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 13 đề ra. Để thu hút nguồn lực đầu tư từ khối kinh tế tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, không cách nào khác là phải tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong quản lý, vận hành, khai thác các dự án sau đầu tư… |
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Nghị quyết 13 không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng, mà quan trọng hơn là nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, cùng với việc Chính phủ quyết liệt triển khai hàng loạt các chính sách như: đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa các dịch vụ công…, qua đó, đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời tạo một bước chuyển hướng mạnh mẽ về tư duy phát triển. Hoạt động thu hút đầu tư từ nguồn vốn ODA, NGO, FDI trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, các dự án được lựa chọn đầu tư có trọng tâm, phát huy hiệu quả kinh tế, có tính lan tỏa: dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, giảm nghèo bền vững, đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, cấp thoát nước… đã góp phần cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh thu hút được 16 DA ODA với tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng; 46 khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ với vốn cam kết 19,7 triệu USD; 7 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 52,28 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của tỉnh. Để tiếp tục huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới, tỉnh cũng đã đề ra một số giải pháp. Đó là chủ động, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục vận động tài trợ, thu hút các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi; thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho các dự án sản xuất kinh doanh mà tỉnh có lợi thế, áp dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả của các chương trình hợp tác, liên kết vùng; triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; tập trung cải cách hành chính, tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư…
Theo Báo Đắk Lắk