Thông báo kết quả Hội nghị về sở hữu trí tuệ năm 2022
Ngày đăng: 31/03/2022 08:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/03/2022 08:40
Ngày 30/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành Thông báo số 2105/TB-SHTT về Thông báo kết quả Hội nghị về Sở hữu trí tuệ năm 2022.
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2022, trong hai ngày 17 và 18/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022 tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết toàn diện hoạt động của hệ thống SHTT, đặc biệt là lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) trong năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Hội nghị đã hoàn thành các nội dung theo chương trình làm việc. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi những vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động SHCN. Trên cơ sở các nội dung, chương trình làm việc và kết luận Hội nghị, Cục SHTT thông báo kết quả Hội nghị, như sau:
1. Tóm tắt kết quả Hội nghị
Tại Hội nghị, 06 báo cáo chuyên đề đã được trình bày và thảo luận theo 03 nội dung trọng tâm là: (i) Tổng kết hoạt động quản lý nhà nước về SHTT năm 2021 ở trung ương và địa phương; (ii) Một số nội dung có tác động nhiều đến hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; và (iii) Hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ: quản lý nhà nước đối với tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; SHTT trong phát triển các sản phẩm OCOP; Xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về SHTT năm 2021 ở trung ương và địa phương đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về công tác QLNN về SHTT, đặc biệt là về SHCN ở trung ương và địa phương năm 2021, làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại và đề xuất định hướng hoạt động thời gian tới.
Về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, nội dung sửa đổi Luật SHTT tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó một số vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các tổ chức, doanh nghiệp và cả xã hội như quy định về giao quyền đăng ký của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; quy định liên quan đến thủ tục đăng ký và xác lập quyền SHTT, hiệu lực văn bằng bảo hộ; quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài; về đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trê trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về quản lý chỉ dẫn địa lý; về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…
Về công tác xử lý đơn xác lập quyền SHCN năm 2021, Cục SHTT đã xử lý được 121.422 đơn các loại, trong đó có 74.559 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 3,8% so với năm 2020) và 40.683 đơn/yêu cầu khác (tăng 12,5% so với năm 2020); cấp 39/056 văn bằng bảo hộ SHCN các loại. Hiện tại, Cục đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh công tác xử lý đơn SHCN như đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tuyển dụng và đào tạo nhân lực, tiếp cục cải cách TTHC trong lĩnh vực SHCN, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Quy chế tiếp nhận, xử lý đơn SHCN, v.v… Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN mói chung và của Cục SHTT nói riêng. Để đạt được các thành quả trên, Cục SHTT cũng luôn nhận được hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ KH&CN và các địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về SHCN của các địa phương trong năm 2021 đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, Hà Nội, v.v… đã thực hiện công tác QLNN về SHCN đạt kết quả tốt.
Tạo Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan tới kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc thù; tăng cường chất lượng hoạt động QLNN về SHTT tại địa phương và quản lý tài sản trí tuệ phát sinh từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, v.v…
2. Kết luận Hội nghị về định hướng hoạt đông QLNN về SHTT trong thời gian tới
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Hội nghị đã đề ra một số định hướng cho hoạt động QLNN về SHTT năm 2022, như sau:
* Ở Trung ương:
- Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022; triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư); tiếp tục hộ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030.
- Triển khai có hiệu quả các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực SHCN.
- Chủ động tham gia đàm phá và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế.
- Đưa vào vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cập độ 4; tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN và nhu cầu tra cứu thông tin của xã hội.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (giai đoạn 2022-2025).
- Đầy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về SHTT cho cán bộ QLNN và các đối tượng mục tiêu.
- Đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chuỗi sự kiện nhân Ngày SHTT thế giới (24/6) và Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) kết hợp với kỷ niệm Ngày đổi mới sáng tạo Quốc gia; tổ chức thành công Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng.
- Tổ chức tốc các Kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHCN và giám định SHCN.
* Ở địa phương:
Trên cơ sở bám sát nội dung Chiến lược SHTT đến năm 2030, đồng thời từ thực tiễn hoạt động QLNN về SHTT và điều kiện KT-XH của các địa phương, trong thời gian tới, một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây cần được chú trọng đẩy mạnh:
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về SHTT: Kiện toàn hệ thống cơ quan QLNN về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong QLNN về SHTT.
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ quyền SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ: Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT; hỗ trợ xây dựng, triển khai hoạt động quản trị tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chuyên môn về SHTT.
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ: Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ bảo hộ và khai thác quyền SHTT ở nước ngoài v.v…
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT; hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương.
- Về nhóm nhiệm vu, giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nang cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan QLNN, cơ quan bảo vệ quyền SHTT.
- Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng văn hóa SHTT: Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhăm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.
Thanh Minh