Sửa đổi Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH: Thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận và thừa nhận
Ngày đăng: 20/01/2022 16:00
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/01/2022 16:00
Nhằm thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận giữa Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cũng như phân công trách nhiệm quản lý một cách phù hợp để giải quyết vướng mắc, việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung 2 Luật cho phù hợp với thực tế là rất cần thiết.
Ảnh minh hoạ. |
Tính cấp thiết trong sửa đổi, bổ sung 2 Luật
Được ban hành vào năm 2006 đối với Luật Tiêu chuẩn & Quy Chuẩn kỹ thuật và năm 2007 đối Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong suốt khoảng thời gian triển khai thực hiện 02 Luật đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Chia sẻ về lý do sửa đổi 02 Luật, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, do đó nhu cầu bức thiết là phải thể chế hóa, nội luật hóa cam kết này, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP… để tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.
Theo bà Hương, một số nội dung quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài không còn phù hợp với cam kết trong các hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17029, hoạt động đánh giá sự phù hợp còn mở rộng thêm sang hoạt động kiểm tra và xác nhận giá trị sử dụng, chính vì điều này chúng ta cần phải nghiên cứu để định nghĩa đánh giá sự phù hợp phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng theo bà Hương, hoạt động công nhận, hiện trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chỉ giới hạn nội dung đến việc công nhận năng lực cho thử nghiệm, chứng nhận, giám định và hiệu chuẩn. Tuy nhiên, hoạt động công nhận hiện nay cần xem xét để mở rộng ra đối với hoạt động công nhận cho các chương trình công nhận mới, ví dụ như chương trình công nhận thử nghiệm thành thạo hoặc chương trình công nhận đối với tổ chức cung cấp chất chuẩn.
“Thực tế là chúng ta cũng đã triển khai các hoạt động này rồi, tuy nhiên quy định trong luật thì chưa có”, bà Mai Hương cho biết thêm.
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm, Luật Dự trữ quốc gia hoặc Luật quy hoạch. Trong khi Luật An toàn thực phẩm đưa ra quy định là công bố sản phẩm thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật lại quy định phải công bố hợp quy, đây được xem là sự chênh lệch giữa các luật mà buộc phải đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.
Định hướng thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận
Liên quan đến vấn đề định hướng sửa đổi, bổ sung 2 Luật, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, Luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ cần có cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
“Mặc dù trong Nghị định 78 (hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật), chúng ta cũng đã mở rộng đối tượng được xây dựng tiêu chuẩn đến các doanh nghiệp và hiệp hội, tuy nhiên nội dung này chưa có trong luật, tới đây sẽ phải luật hóa cụ thể”, bà Mai Hương nhấn mạnh.
Chỉ ra những vấn đề cần thiết để sửa đổi 2 Luật, chia sẻ trên Hải quan Online, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, điều 70 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công và phải ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, trong danh mục ban hành, nhiều mặt hàng vẫn không có mã số HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa) dẫn đến khó khăn cho cơ quan thực thi trong việc xác định chính xác hàng hóa, tên gọi danh mục…
Thậm chí, một sản phẩm hàng hóa có thể thuộc nhiều danh mục khác nhau và bị quản lý bởi nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn đến việc chồng chéo trong công tác quản lý và thực hiện.
Thêm vào đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay cũng chỉ mới tập trung vào các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật) hoặc các sản phẩm, hàng hóa có quy định cụ thể về quản lý chất lượng, chứ chưa đi sâu vào công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (sản phẩm, hàng hóa quản lý tiêu chuẩn áp dụng).
Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động của ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cũng sẽ được sửa đổi, bởi “theo luật quốc tế thì ban kỹ thuật này phải được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn quốc tế hoặc công ty liên doanh, doanh nghiệp FDI”, bà Mai Hương cho biết.
Về quy trình xây dựng, thẩm định, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, luật mới sẽ được sửa đổi để phân định rõ trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành với địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Đồng thời, thực tế một số quy chuẩn địa phương bao hàm phạm vi rộng và rất phức tạp, do đó luật mới sẽ có các điều chỉnh để các bộ, ngành được thẩm định chứ không chỉ có ý kiến góp ý như thời gian vừa qua.
Cũng theo bà Hương, đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ năm 2016 khi Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành và hiện nay là Nghị quyết 02, Chính phủ đã chỉ đạo rất nhiều liên quan đến giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành trong đó có danh mục hàng hóa nhóm 2, với quy định cũng đã chỉnh sửa để đưa vào Nghị định 74 tuy nhiên trong Luật Chất lượng SPHH cần đưa vào từ luật, trong đó, phải xác định hàng hóa nhóm 2 căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của hàng hóa để đưa ra biện pháp quản lý cho phù hợp.
Về cơ chế kiểm tra hàng nhập khẩu, trong thời gian tới sẽ phải làm rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm, quy trình kiểm tra, cũng như thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp. Đồng thời, luật sẽ phải phân công rất rõ trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cụ thể là theo hướng một sản phẩm sẽ chỉ do một bộ chuyên ngành quản lý, thay vì rất nhiều bộ như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, theo bà Mai Hương, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cần phải được đưa vào luật ngay từ đầu để đầy đủ căn cứ pháp lý cho việc quản lý và thống nhất hoạt động truy xuất. Về giải thưởng CLQG cũng cần được rà soát, chỉnh sửa và nghiên cứu sửa đổi hỗ trợ cho doanh nghiệp đã đạt giải, khuyến khích các doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, từ năm ngoái, Tổng cục đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để bàn luận cũng như gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá thực trạng triển khai hai Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
“Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp báo cáo đánh giá của các đơn vị gửi về và sẽ xác định rõ lộ trình sửa đổi hai luật. Theo dự kiến, tháng 6 năm 2022 Tổng cục sẽ có kế hoạch tổng thể cũng như các nội dung để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình sửa đổi hai luật trong thời gian tới và đến năm 2024 sẽ trình Quốc hội thông qua”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Nhìn chung, định hướng sửa đổi hai luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa lần này sẽ nhằm thống nhất quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận giữa hai luật, cũng như phân công trách nhiệm quản lý một cách phù hợp để giải quyết những vướng mắc đã đề cập ở trên.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và bà Nguyễn Giang Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) nhận định, việc sửa đổi 2 Luật là yếu tố rất cần thiết để giảm thiểu gánh nặng xây dựng tiêu chuẩn cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta vẫn thiếu nhiều tiêu chuẩn có tính đặc thù theo hướng kiểm soát toàn chuỗi, việc tổ chức triển khai xây dựng tiêu chuẩn còn chậm, nguồn nhân lực thiếu và yếu về nghiệp vụ dẫn đến nợ đọng nhiều.
Đánh giá về đề xuất sửa 2 Luật, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, đó là làm sao vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước nhưng phải vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn đo lường chất lượng để biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu một trong hai vế thì sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đưa ra định hướng sắp tới cần đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan phù hợp các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Theo tcvn.gov.vn