Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Ngày đăng: 13/08/2015 08:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/08/2015 08:50
Tính đến tháng 7 năm 2015, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tuy gặp nhiều khó khăn do những biến động về giá vật tư, nhiên liệu, thị trường, song vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá với tổng giá trị đạt trên 5.545 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhà máy bia Sài Gòn – Đắk Lắk vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. |
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng cao cho ngành công nghiệp Đắk Lắk trong 7 tháng qua phải kể đến thành phần kinh tế ngoài quốc doanh với giá trị đạt 3.800 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, một số lĩnh vực công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục tăng như sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp chế biến, chế tạo; một số sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh đó là gạch, ngói, đá, phân vi sinh, ống nước và bao bì nhựa..., đặc biệt ngành cơ khí sửa chữa, chế tạo bơm nước, máy chế biến nông sản, các sản phẩm cơ khí phụ trợ không những đáp ứng được nhu cầu thị trường trong tỉnh mà sản phẩm đã vươn ra các tỉnh Tây Nguyên và Miền trung. Đây là cơ sở để khẳng định ngành cơ khí Đắk Lắk có thể đáp ứng tốt việc sản xuất các thiết bị phụ trợ cho các dự án lớn đầu tư trong tỉnh. Một số nhà máy công nghiệp đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh phải kể đến là nhà máy bia Sài Gòn – Đắk Lắk, các nhà máy chế biến tinh bột sắn là một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh nhà.
Việc quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được thực hiện, tạo cơ sở để phát triển công nghiệp trong những năm tới, khẳng định hướng đi đúng của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Công tác quản lý nhà nước ngành công nghiệp đã được cải thiện đáng kể theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, cơ chế thông thoáng, thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh đã phát huy hiệu quả thế mạnh. Trong 7 tháng của năm 2015 đã có 44 dự án đăng ký đầu tư vào các khu – cụm công nghiệp, nâng tổng số dự án đầu tư tại các khu – cụm công nghiệp lên 130 dự án, trong đó có 60 dự án đang hoạt động, góp phần đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh và phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh. Tính đến thời điểm này, công nghiệp chế biến tiếp tục khẳng định là ngành công nghiệp mũi nhọn và được tỉnh ta có chính sách ưu tiên phát triển, nhất là chế biến nông sản xuất khẩu như cà phê, tiêu, cao su, bông vải… Sự phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá trong 7 tháng năm 2015 của ngành công nghiệp Đắk Lắk trong điều kiện khó khăn là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, ngành công nghiệp của tỉnh những tháng qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, nguồn vốn kinh doanh hạn chế, các sản phẩm chưa thật sự đa dạng và phong phú, chất lượng chưa được nâng cao nên kém sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những vấn đề mà ngành công nghiệp Đắk Lắk cần có giải pháp phù hợp, nhằm đạt được chỉ tiêu kế hoạch những tháng cuối năm 2015.
Theo Daklak.gov.vn