Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk: Vì khát vọng, mục tiêu lớn
Ngày đăng: 06/12/2022 09:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/12/2022 09:15
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung quy hoạch này thể hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng, mục tiêu lớn của tỉnh trong hành trình phát triển giai đoạn tới.
Tầm nhìn chiến lược
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đưa ra mục tiêu thời kỳ 2021 - 2030 là nâng cao đời sống của người dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm, một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ này đạt 11%, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 81,2 triệu đồng, năm 2030 đạt 131 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,5 - 2%/năm, riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hằng năm 3 - 4%.
Đề án quy hoạch cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện khát vọng lớn của tỉnh Đắk Lắk là trở thành địa phương có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo", là điểm đến yêu thích, đáng sống; có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước. Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng: Thành phố cà phê thế giới; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; Trung tâm văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên; Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và Trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.
PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, từ khát vọng của tỉnh, cần xem xét tìm ra những rào cản trên hành trình thực hiện khát vọng đó để tìm giải pháp khắc phục, bởi xây dựng quy hoạch phát triển thực chất là việc tìm ra được các rào cản phát triển và tìm cách khắc phục các rào cản này.
Quan điểm của tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung, thu hút, huy động nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Bốn trụ cột tăng trưởng được xác định là: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Dịch vụ, logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. |
Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy hoạch đã đưa ra những định hướng, giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong thời gian tới, cụ thể hóa Kết luận 67 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đưa TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung phát triển lên tầm cao mới. Tuy nhiên, địa phương cần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia để chuẩn bị kỹ lưỡng cho quy hoạch nhằm hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện sau khi được phê duyệt.
Tạo những đột phá
Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của kinh tế tỉnh Đắk Lắk nên các chuyên gia rất quan tâm đến quy hoạch phát triển lĩnh vực này. ThS. Nguyễn Văn Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) tỏ ra băn khoăn: tại sao tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nông dân cần cù, năng động, đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhưng giá trị tạo ra trên một héc-ta đất nông nghiệp chỉ bằng 25% Đồng bằng sông Hồng, bằng 50% vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Nguyên nhân ở đây chính là cách làm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Do đó theo ông, định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk là phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến. Địa phương cũng cần đánh giá rõ mối liên kết giữa sản xuất - bảo quản, chế biến - thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh thì mới thực hiện được quy hoạch, kế hoạch phát triển tốt cho ngành này.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần nhìn nhận rõ việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, bảo quản chế biến, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản của tỉnh trong thời gian qua cũng như những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để có chiến lược, giải pháp hợp lý.
Theo PGS.TS. Lê Xuân Bá, tỉnh Đắk Lắk phải xác định cách tiếp cận xây dựng, thực hiện quy hoạch theo xu thế hội nhập cả trong nước lẫn hội nhập quốc tế. Địa phương cần nhấn mạnh đến việc đặt sự phát triển của tỉnh trong mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển vùng Tây Nguyên, cả nước, khu vực và quốc tế. Đây là vấn đề rất quan trọng vì sự phát triển của các ngành, các sản phẩm của tỉnh không thể tách khỏi các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của vùng, cả nước, của khu vực và thế giới.
Cụ thể, cần phải làm rõ xem các sản phẩm của Đắk Lắk có thể tham gia được vào những khâu nào của các chuỗi giá trị hàng hóa nào, bởi trong thời buổi toàn cầu hóa và hội nhập, nếu các sản phẩm không tham gia được vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất thì rất khó phát triển mạnh. Bên cạnh đó, địa phương cần quyết liệt thực hiện những đột phá về: chính sách, liên kết phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế và phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
“Trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai, không đổi mới sáng tạo, không đột phá thì rất khó phát triển và hầu như không thể phát triển nhanh được. Đột phá không phải là thực hiện những việc, giải pháp đã có một cách lớn hơn, mạnh hơn, nhanh hơn mà là thực hiện những giải pháp chưa từng làm”, PGS.TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh.
♦ PGS, TS. Bảo Huy - Nguyên Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên: Lấy rừng làm nền tảng
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, Đắk Lắk cũng đang đối mặt với những vấn đề của sự phát triển chưa bền vững như ô nhiễm, suy thoái môi trường sinh thái, do đó đòi hỏi cần có quy hoạch để ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ và nguyên lý phát triển bền vững làm nền móng, cơ sở định hướng cho tương lai. Phát triển nông nghiệp hiện đại nhưng không thể xem nhẹ nông nghiệp truyền thống, vì hình thức này vẫn có nhiều giá trị cho sản phẩm an toàn, không ô nhiễm môi trường và cần dựa vào nó để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, lâm nghiệp đang và sẽ đóng góp không cao vào thu nhập của địa phương, tuy nhiên, giá trị sinh thái và dịch vụ môi trường của nó là nền móng cho sự phát triển bền vững, do đó, tầm nhìn đến 2050 lấy rừng làm nền tảng là rất xác đáng.
♦ TS. Lê Ngọc Báu – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Cần xác định những nhiệm vụ cấp bách mang tính đòn bẩy
Các điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để định hướng cho giải pháp đầu tư phát triển, tránh việc thực hiện dàn trải khi nguồn lực còn hạn chế. Dự thảo quy hoạch đã nêu ra rất nhiều giải pháp cần thiết để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng trên thực tế lại bị hạn chế bởi nguồn lực và quỹ thời gian. Vì vậy, vấn đề là cần xác định những nhiệm vụ cấp bách mang tính đòn bẩy và tập trung nguồn lực để giải quyết. Các giải pháp cần được xác định cụ thể, tránh những giải pháp chung chung như ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ.
Theo Báo Đắk Lắk