Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Ngày đăng: 02/12/2021 14:47
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/12/2021 14:47
Chiều 30/11, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), đã tổ chức Phiên họp thứ Nhất theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng lãnh đạo các Sở, ngành tham dự.
Quang cảnh Phiên họp đầu cầu Chính phủ (Ảnh chụp màn hình) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban. Với nội dung là nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đồng thời đưa ra những kế hoạch, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh chụp màn hình) |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày các nội dung xoay quanh phát triển số, chuyển đổi số, quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong những nước đã xây dựng và ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Nhờ vậy, Việt Nam được xếp hạng cao về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp (Ảnh chụp màn hình) |
Các đại biểu tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 thực hiện khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Riêng trong năm 2022, triển khai 18 nhiệm vụ gồm: phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng thông rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức... Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đến những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số như hạ tầng cho chuyển đổi số; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; nhận thức của người dân về chuyển đổi số; an ninh, an toàn mạng thông tin.
Quang cảnh Phiên họp đầu cầu Đắk Lắk |
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhận định, chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, nội dung về chuyển đổi số đã được đưa vào các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Môi trường pháp lý cho Chính phủ số còn chưa hoàn thiện; chưa biến nhận thức thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể; việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn chậm tiến độ; công tác đào tạo, phát triển nhân lực nhiều nơi chưa được chú trọng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số với nội số nội dung sau:
Về Chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dung chung; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành, địa phương sớm kiện toàn Ủy ban Chuyển đổi số của địa phương; triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm.
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 nhóm nhiệm vụ và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số mà Phiên họp đã nêu, đồng thời Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Các địa phương có chính sách thúc đẩy hình thành mạng lưới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số đến cấp cơ sở, huy động sự tham gia của xã hội, gồm các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp.
Cát Lâm