Phát triển thị trường trong nước: Chiến lược để doanh nghiệp tăng trưởng ổn định
Ngày đăng: 16/06/2023 08:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/06/2023 08:19
Song song với việc thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh còn chú trọng vào thị trường nội địa để tạo thế đứng vững trên thị trường. Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước trở thành xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay giúp DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất sô cô la tại Công ty TNHH Ca cao Nam Truờng Sơn (huyện Krông Ana). |
Kỳ vọng lớn vào thị trường nội địa
Kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến hoạt động xuất khẩu của DN Việt gặp nhiều thách thức. Trước tình hình đó, DN quan tâm nhiều hơn đến việc khai thác, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Cũng như nhiều DN xuất khẩu khác, hơn 2 năm qua, hoạt động kinh doanh ở Công ty TNHH Ca cao Nam Truờng Sơn (huyện Krông Ana) bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty cho hay, hoạt động xuất khẩu đang rơi vào thế khó do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, đơn vị tính toán lại kế hoạch kinh doanh, dành một phần nguồn lực để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa. Theo đó, công ty tập trung tìm kiếm đơn hàng mới nhờ việc chuyển sang sản xuất nhóm sản phẩm chuyên về đặc sản dành cho phân khúc khách hàng khác nhau, thị trường tiêu thụ chú trọng vào các tỉnh, thành phố có hoạt động du lịch phát triển... để giúp DN “bật dậy”.
“DN cần chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực bán hàng, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đầu tư vào bao bì, nhãn mác hàng hóa để làm ra sản phẩm chinh phục người tiêu dùng trong nước” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương. |
Việc khai thác và phát triển thị trường trong nước luôn được các DN xuất khẩu kỳ vọng và coi đây là chiến lược kinh doanh bền vững, tạo thế đứng “kiềng hai chân” cho DN. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho biết, bên cạnh hoạt động xuất khẩu, kinh doanh ở thị trường nội địa cũng đóng góp mức tăng trưởng đáng kể cho DN. Công ty không ngừng đầu tư thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm phục vụ thị trường trong nước. Công ty luôn coi tiêu dùng nội địa là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đạt 660 triệu USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 41,3% kế hoạch của năm. Trong khi đó, khu vực dịch vụ, bán lẻ trong nước vẫn có mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm đạt 42.408,9 tỷ đồng, tăng 6,78% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,5% kế hoạch năm.
Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là thị trường có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đây là “lãnh địa” lớn để DN khai thác, mở rộng chuỗi phân phối sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, thị trường xuất khẩu có nhiều biến chuyển khó lường, cùng với đó, chiến tranh Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp thì việc phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu thụ nội địa là xu hướng tất yếu để DN phát triển.
Nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường nội địa, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược “Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại tỉnh Đắk Lắk, ngành công thương tỉnh nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, việc phát triển thị trường trong nước được địa phương tiếp tục chú trọng để trở thành cầu nối vững chắc, dẫn dắt cho sản xuất phát triển theo tín hiệu thị trường, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của DN, hợp tác xã của tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”; chú trọng kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, hỗ trợ DN phân phối sản phẩm qua nền tảng số... Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công, ngành công thương tỉnh sẽ tạo điều kiện giúp các DN, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng, quảng bá thương hiệu... đưa hàng hóa địa phương phát triển phổ biến trên thị trường nội địa.
Báo Đắk Lắk