Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Lắk năm 2019
Ngày đăng: 13/05/2020 10:54
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/05/2020 10:54
Kết quả PCI 2019 của cả nước ghi nhận sự cải thiện đáng kể nhất từ trước đến nay, thông qua điểm số PCI bình quân đạt cao nhất, đồng thời, khoảng cách giữa các tỉnh, thành tiếp tục được thu hẹp. Đối với tỉnh Đắk Lắk, PCI 2019 của tỉnh đạt 64,81 điểm, xếp thứ 38/63, thứ 3 khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng - thứ 22 và Gia Lai - thứ 30); về điểm số tăng 2,33 điểm và lên 2 bậc so với PCI năm 2018, thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá.
Phân tích chỉ số thành phần |
Từ thực tiễn chỉ số do VCCI phân tích, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động nghiên cứu, phân tích nguyên nhân làm giảm chỉ số PCI của tỉnh trong lĩnh vực có liên quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục triệt để; tập trung làm tốt công tác CCHC đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư các dự án có sử dụng đất. Giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu UBND tỉnh báo cáo phân tích chỉ số PCI 2019 của tỉnh, làm rõ nguyên nhân giảm điểm của từng chỉ số thành phần; phối hợp các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh năm 2020, giai đoạn 2021-2025; tham mưu kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCI của tỉnh. Giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu xây dựng bộ chỉ số DDCI cấp tỉnh (Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh), hiện nay hầu hết các địa phương thuộc tốp đầu cả nước đều đã triển khai Bộ chỉ số này, qua đó sẽ xác định chính xác đơn vị làm tốt, chưa tốt để có chấn chỉnh kịp thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng Sở ngành, đơn vị.
Theo phân tích sơ bộ của VCCI, PCI 2019 ghi nhận kết quả tích cực của Đắk Lắk sau 2 năm liền (2017, 2018) bị giảm thứ hạng so với cả nước. Trong số 10 chỉ số thành phần, nếu xét về mặt cải thiện điểm số, tỉnh có 05 chỉ số tăng điểm và 05 chỉ số giảm điểm so với năm 2018. Xét về yếu tố cạnh tranh, tỉnh có 06 chỉ số thành phần hạ thứ hạng so với năm 2018; trong đó, có 02 chỉ số thành phần xếp gần cuối bảng xếp hạng cả nước là chỉ số Chi phí không chính thức giảm đến 39 bậc, đứng thứ 60/63 và chỉ số Thiết chế pháp lý giảm đến 29 bậc, xếp thứ 61/63.
Nguyên nhân chính dẫn đến thứ hạng cải thiện so với năm 2019: VCCI tính điểm số và thứ hạng PCI theo phương pháp tính bình quân tổng 10 chỉ số thành phần, có nhân trọng số từng chỉ số; cụ thể: Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk có 05 chỉ số cải thiện điểm số, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động. Điều đáng mừng là hầu hết các chỉ số mà tỉnh cải thiện đều thuộc nhóm các chỉ số thành phần có trọng số cao, 3/3 chỉ số chiếm trọng số cao nhất theo cách tính VCCI đều được tỉnh cải thiện đáng kể: chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (lên 33 bậc, xếp thứ 6/63) và Tính minh bạch (lên 28 bậc, xếp thứ 18/63); chỉ số Đào tạo lao động (lên12 bậc, xếp thứ 29/63), điều này góp phần rất đáng kể vào việc cải thiện PCI 2019 của tỉnh.
Điểm số PCI qua các năm |
Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: chỉ số này cải thiện rất tốt, hầu hết các tiêu chí phụ đều được doanh nghiệp đánh giá rất tích cực, doanh nghiệp hài lòng hơn với các dịch vụ đào tạo quản trị kinh doanh, dịch vụ thuế, dịch vụ tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại (bao gồm dịch vụ do Nhà nước và tư nhân cung cấp). Ngoài ra, số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm vừa qua tăng gấp đôi cũng là một trong các nguyên nhân tác động đáng kể đến thứ hạng và điểm số của chỉ số này. Chỉ số Tính minh bạch: doanh nghiệp hài lòng hơn trong tiếp cận thông tin tại tỉnh, tỷ lệ DN nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị CQNN của tỉnh cung cấp tăng, đặc biệt Tỉ lệ DN truy cập vào website của tỉnh tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Chỉ số Đào tạo lao động: doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng đào tạo lao động tại tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại doanh nghiệp tăng so với năm trước.
Một số vấn đề lưu ýmà chuyên gia VCCI đưa ra, mặc dù điểm số cải thiện, có 3 chỉ số trọng số cao nhất của PCI được cải thiện rất tốt, tuy nhiên xét tổng quan về thứ hạng, tỉnh chỉ cải thiện được 2 bậc, vẫn đang xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên, chưa trở lại vị trí so với trước năm 2018. Có đến 7/10 chỉ số thành phần thuộc nhóm thứ hạng từ 30-63, chỉ có 3 chỉ số thuộc nhóm đầu cả nước. Các chỉ số thành phần cần lưu ý, giảm sâu về điểm số và thứ hạng gồm:
Chỉ số Chi phí không chính thức: giảm đến 1 điểm và hạ đến 39 bậc, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành. Trong khi xu hướng chung của cả nước là chi phí không chính thức có xu hướng giảm thì đối với Đắk Lắk chỉ số này gần như không ghi nhận sự cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có chi trả cho cán bộ thanh, kiểm tra tăng 6 lần, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC tăng gấp đôi so với năm 2018.
Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: giảm đến 0,85 điểm và hạ đến 38 bậc (từ vị trí thứ 9/63 xuống vị trí 47/63). Phần lớn doanh nghiệp được khảo sát cho rằng có sự thiên vị trong tiếp cận nguồn lực, chính sách, đất đai đối với các doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ cho rằng DNNN thuận lợi hơn trong thực hiện TTHC và tiếp cận đất đai tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế pháp lý như hiện nay thì việc chỉ số này giảm đột biến phải kể đến nguyên nhân do cách nhìn nhận của các doanh nghiệp được khảo sát còn chưa thật chính xác và khách quan, dẫn đến việc cho rằng DNNN được ưu ái hơn so với doanh nghiệp dân doanh khác.
Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: giảm đến 0,54 điểm và hạ đến 29 bậc (từ vị trí 32 xuống vị trí 61/63 tỉnh thành).
Một số lĩnh vực chậm chuyển biến so với PCI 2018: Tiếp cận đất đai tại tỉnh không có cải thiện, tiếp tục 2 năm liền giảm thứ hạng so với các địa phương khác. Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận TTHC về đất, khó khăn trong tiếp cận quỹ đất sạch tăng. Cải cách hành chính, mặc dù có rất nhiều nỗ lực đánh ghi nhận trong công tác CCHC thông qua việc chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp được cải thiện; tuy nhiên, trong năm vừa qua theo đánh giá doanh nghiệp, mức độ cải thiện chưa cao, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết TTHC chưa được rút ngắn so với năm 2019. Thanh tra các ngành, kiểm tra thuế, số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế theo phản ánh của doanh nghiệp không được cải thiện, thậm chí còn tăng so với năm 2018 (năm 2018 là 16 giờ, năm 2019 lên 20 giờ, trong khi mức thấp nhất cả nước chỉ có 3 giờ). Niềm tin của doanh nghiệp vào tính năng động của chính quyền tiếp tục giảm; doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh linh hoạt, năng động hơn trong giải quyết vấn đề, tuy nhiên mức độ thực thi ở cấp dưới chưa được đánh giá cao; bên cạnh đó, hiệu quả mô hình đối thoại doanh nghiệp tiếp tục chững lại, không cải thiện nhiều so với bình quân cả nước.
Theo Daklak.gov.vn