Phấn đấu đến năm 2020 - 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được xem truyền hình số
Ngày đăng: 05/01/2016 09:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/01/2016 09:26
Quá trình số hóa truyền hình đang là xu thế tất yếu chung trên toàn thế giới, tại Việt Nam Đề án “Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất” của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắt đầu từ 31/12/2015, các loại ti vi trên 32 inch sản xuất ở Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất chuẩn DVB-T2. Trong lộ trình chung của cả nước, Đắk Lắk nằm ở giai đoạn thứ IV của Đề án, để hiểu rõ hơn về lộ trình triển khai Đề án số hóa truyền hình tỉnh, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án số hóa sẽ trả lời rõ vấn đề này.
Chiếc ti vi tích hợp chức năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất chuẩn DVB-T2 |
Biên tập viên: Thưa Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền của tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trong thời gian qua?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Theo Đề án, tỉnh Đắk Lắk thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất thuộc giai đoạn IV, tức là từ năm 2017 đến 2020 tỉnh phải thực hiện việc triển khai xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Bên cạnh việc triển khai hạ tầng trong thời gian này các đài truyền hình Trung ương và địa phương phải thực hiện việc phát sóng song song các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên hai phương thức là công nghệ số và công nghệ tương tự (Analog) và kết thúc việc phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2020. Với lộ trình trên, ngay từ thời điểm này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để làm tốt công tác truyền thông đến tận người dân biết để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển đổi.
Cụ thể: Cuối năm 2014 đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho đối tượng là cán bộ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh và các đài truyền thanh cơ sở, năm 2015 tổ chức 02 lớp Hội nghị tập huấn cho đối tượng là Chủ tịch và cán bộ tuyên giáo cấp xã, phường và thị trấn. Như vậy có thể nói qua 03 lớp tập huấn với những thành phần đại biểu về dự hội nghị là những người trực tiếp làm công tác truyền thông cũng như tiếp xúc trực tiếp với dân, nên có thể nói bước đầu tỉnh đã làm tốt công tác truyền thông đồng bộ từ tỉnh cho đến tận xã, phường. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cho các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông nhiều hơn nữa bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng hơn đến tận thôn buôn để người dân có thể nắm được thông tin cụ thể và chính xác nhất về nội dung chương trình của Đề án.
|
Biên tập viên: Thưa ông, Để thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào tỉnh, Đắk Lắk có những cơ chế, chính sách như thế nào cho các doanh nghiệp?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh ta có những điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Có thể lấy ví dụ là Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã có một cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng tương đối đồng bộ. Do đó, khi các doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng có nhu cầu đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp này có thể tận dụng tối đa được cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm bảo đảm phục vụ lợi ích của người dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trên cơ sở tham mưu của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh sẽ lựa chọn doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, có kinh nghiệm, tiềm năng về tài chính và uy tín để đầu tư hệ thống hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của tỉnh theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Biên tập viên: Sau khi chấm dứt việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự như hiện nay và chính thức chuyển sang truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nội dung, chương trình hệ thống truyền hình của tỉnh?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Theo tôi, khi chuyển sang truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật truyền hình là do doanh nghiệp đầu tư và vận hành, còn hệ thống các Đài Truyền thanh - Truyền hình của tỉnh lúc đó chỉ còn tập trung xây dựng nội dung và sản xuất chương trình. Với việc chỉ chuyên về xây dựng nội dung và sản xuất chương trình thì chắc chắn chất lượng chương trình truyền hình sẽ tốt hơn hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo và hỗ trợ có hiệu quả từ các chính sách của Chính phủ cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, bảo đảm 100% số hộ có máy thu hình trên địa bàn tỉnh sẽ xem được truyền hình số bằng các phương thức truyền dẫn khác nhau theo đúng lộ trình Đề án.
Vì vậy tôi nghĩ, hệ thống truyền hình của tỉnh với việc chỉ chuyên về xây dựng nội dung và sản xuất chương trình thì chất lượng chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay.
Biên tập viên: Với kế hoạch triển khai như hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có thể thực hiện kết thúc việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự sang truyền hình số hóa trước ngày 31/12/2020 theo đúng lộ trình của Chính phủ hay không? Thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh: UBND tỉnh đã và sẽ chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính làm tốt công tác tham mưu quyết tâm thực hiện thành công Đề án theo đúng thời gian quy định của Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Daklak.gov.vn