Nuôi trồng và xác định giá trị khoa học của một số loài nấm Linh chi tại Đắk Lắk
Ngày đăng: 15/09/2023 16:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/09/2023 16:49
Nấm Linh chi là một dược liệu mà con người từ xa xưa đã biết dùng làm thuốc và được coi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, cường tâm, bổ não, tiêu đờm, bổ dạ dày; gần đây các nhà khoa học phát hiện nấm linh chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa làm tăng tuổi thọ. Cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu nào về công tác bảo tồn, phát triển và khai thác hợp lý, bền vững cũng như xác định giá trị khoa học của các loài nấm dược liệu quý này ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, Trường Đại học Tây Nguyên đã thực hiện đề tài: “Xác định giá trị khoa học của các loài nấm dược liệu thuộc họ Linh chi (Ganodermataceae) ở tỉnh Đắk Lắk và phát triển thành sản phẩm thương mại”.
PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ nhiệm đề tài |
Với mong muốn dựa trên nền tảng những kiến thức khoa học để xác định giá trị khoa học của các loài nấm có giá trị dược liệu quý mang tính đặc trưng cho tỉnh Đắk Lắk với giá thành thấp hơn các sản phẩm thị trường hiện nay, từ đó có thể hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn lợi tự nhiên một cách bền vững. Nhóm nghiên cứu đã sàng lọc tác dụng sinh học các cao chiết/nhóm hoạt chất và chế phẩm của một số loài nấm Linh chi tiềm năng, cụ thể:
Đã xác định được hàm lượng triterpene và polysaccharide của cao chiết 07 loài nấm dược liệu, trong đó hàm lượng triterpene cao nhất ở loài Ganoderma lucidum, hàm lượng polysaccharide cao nhất ở loài Amauroderma subresinosum.
Thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào ung thư của 07 loài nấm thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư gan người (HepG2) và tế bào ung thư vú (MCF7) cho thấy: Cao chiết polysaccharide loài Ganoderma lucidum tự nhiên và nuôi trồng cho hiệu quả tốt nhất; Kết quả thử nghiệm hoạt tính chống tăng sinh tế bào ung thư của 07 loài nấm thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư gan người (HepG2) và tế bào ung thư vú (MCF7) cho thấy: Cao chiết polysaccharide và triterpene loài Ganoderma lucidum tự nhiên và nuôi trồng cho hiệu quả tốt nhất;
Tác dụng điều trị tiểu đường của các cao chiết 04 mẫu nấm cho thấy loài Ganoderma applanatum và loài Ganoderma lucidum nuôi trồng thể hiện hoạt tính tốt nhất;
Kết quả đánh giá tác dụng của cao chiết polysaccharide loài Ganoderma lucidum nuôi trồng với tác dụng tăng cường miễn dịch thể hiện qua sự thay đổi trọng lượng cơ thể chuột, trọng lượng lách và tuyến ức, các chỉ số huyết học (bạch cầu, hồng cầu, hemoglobin, hematocrit), các cytokine huyết thanh (IL-2 và TNF-alpha) có xu hướng đáp ứng theo liều, có xu hướng tốt hơn so với 𝛽-glucan liều 250 mg/kg/ngày, tuy nhiên khác biệt chưa đạt ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Mô hình trồng nấm Linh chi tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột
|
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống và nuôi trồng một số loài nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) tiềm năng để làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm; Xây dựng được quy trình công nghệ tạo chế phẩm chứa các hoạt chất sinh học cao từ nấm Linh chi Đắk Lắk và quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cao Linh chi, sản phẩm rượu Linh chi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể cung cấp phát triển giống nấm Linh chi có nguồn gốc tại tỉnh Đắk Lắk cho người dân nuôi trồng góp phần phát triền kinh tế tại địa phương và nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tiếp tục phát triển các sản phẩm tiềm năng như nấm linh chi, cao nấm linh chi, rượu nấm Linh chi; Nghiên cứu mở rộng mô hình nuôi trồng và phát triển nguồn giống loài nấm Linh chi Ganoderma lucidum tại địa phương; Tiến hành đề xuất hướng bảo tồn một số loài nấm có giá trị như: Ganoderma applanatum, Amauroderma subresinosum.
Trần Thị Định