Nông dân Krông Bông lo lắng vì cà phê mất mùa
Ngày đăng: 10/12/2018 14:18
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/12/2018 14:18
Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, trên địa bàn huyện hiện có 8.430 ha cà phê, trong đó có 6.114 ha cà phê kinh doanh; tập trung nhiều nhất tại các xã: Cư Đrăm (1.525 ha), Hòa Thành (1.471 ha), Dang Kang (1.239 ha), Cư Pui (968 ha), Hòa Phong (631 ha)...
Gia đình ông Văn Hoàng (thôn 4, xã Hòa Phong) thu hoạch cà phê. |
Do năm nay thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích cà phê tưới không kịp thời, không thể bón đủ lượng phân đã khiến năng suất, chất lượng cà phê giảm đáng kể; cà phê lại mất giá khiến nông dân trên địa bàn huyện lo lắng.
Ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, do năm nay tình hình hạn hán xảy ra cục bộ giữa thời điểm nuôi quả nên năng suất cà phê bình quân chung của huyện là 1,9 tấn/ha (ở 4 xã cánh bắc), tuy có cao hơn một chút so với mọi năm song hàm lượng nhân không đạt, tỷ lệ bình quân 5,5 kg quả tươi mới cho 1 kg nhân (những năm trước tỷ lệ này là 4 kg tươi = 1 kg nhân). Còn 5 xã cánh đông là những xã chịu ảnh hưởng trực tiếp hạn hán thì năng suất, sản lượng đều giảm, ước tính năng suất chỉ đạt 1,6 tấn/ha, thấp hơn so với bình quân chung của huyện 0,3 tấn/ha.
Năng suất, chất lượng giảm, giá cả lại thấp hơn (giá năm trước là 7.200 đồng/kg quả tươi thì năm nay chỉ dao động từ 5.900 - 6.200 đồng/kg) khiến người nông dân bị giảm thu nhập, khó khăn cho tái sản xuất. Như gia đình ông Nguyễn Đình Quân có 1,5 ha cà phê ở xã Hòa Phong, trung bình mỗi năm diện tích trên thu được 4 tấn cà phê nhân, dù chi phí bỏ ra nhiều (do trồng cà phê ở vùng đất xám, nhân công lại phải thuê mướn toàn bộ, chi phí từ phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cao) song mọi năm ông vẫn có lãi 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do nắng hạn kéo dài, gia đình ông chỉ thu được 15 tấn quả tươi (tương đương 2,8 tấn nhân, giảm khoảng 30% so với năm trước), với giá bán chỉ 6.200 đồng/kg tươi, gia đình ông chỉ lãi khoảng 5 triệu đồng.
Hay gia đình ông Ngô Công Thanh (thôn 1, xã Dang Kang) với 2 ha cà phê TR4, trước đây thu bình quân mỗi năm được 4,5 tấn cà phê nhân. Nguồn lãi từ cà phê, gia đình ông tích lũy xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, sinh hoạt trị giá gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay năng suất cà phê giảm đáng kể, gia đình ông chỉ thu được 3 tấn, giá cả lại thấp, may mắn không bị lỗ nhưng sẽ gặp khó khăn cho việc tái đầu tư trong niên vụ mới. Với 1,5 ha cà phê kinh doanh, gia đình ông Trần Hòa (thôn 8, xã Hòa Lễ) dù tập trung đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình nhưng cũng không tránh khỏi thất thu. Trên cùng diện tích 1,5 ha, những năm trước gia đình ông thu được 4 tấn cà phê nhân song năm nay chỉ thu được 3 tấn, với giá bán hiện tại thì gia đình ông coi như chỉ lấy công làm lãi.
Mùa thu hoạch cà phê năm nay, không chỉ đối với người trồng cà phê lo lắng mà ngay cả những chủ lò sấy cũng chẳng mấy vui. Ông Lê Công Mười (thôn 8, xã Hòa Lễ) chuyên thu mua cà phê tươi về sấy cho biết, niên vụ cà phê năm nay, phần lớn sản lượng của các gia đình đều giảm, chất lượng lại rất kém. Những năm trước đây, trung bình với 4,2 - 4,5 kg quả tươi thì sau khi sấy, xạc sẽ cho ra 1 kg cà phê nhân, thế nhưng năm nay phải 5,5 - 6,3 kg quả tươi mới thành 1 kg cà phê nhân. Theo tính toán, với mỗi lò sấy 8 tấn quả, gia đình ông lỗ từ 500.000 – 1 triệu đồng, do thời gian sấy lâu hơn tốn kém thêm chi phí nhiên liệu, vì thế ông Mười quyết định đóng bao chờ giá cả tăng lên mới xuất giao cho đại lý.
Trong thời gian tới, huyện Krông Bông chủ trương vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định những diện tích cà phê hiện có bởi đây vẫn là loại cây trồng mang lại lợi nhuận lớn, giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Để tránh bị “thiệt đơn, thiệt kép”, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, có kế hoạch tưới nước, bón phân đầy đủ để bảo đảm năng suất cây trồng và không nên bán quả tươi khi không cần thiết.
Theo Báo Đắk Lắk