Nhiều chương trình, dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 29/01/2016 09:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/01/2016 09:36
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Ngày nay, mỗi ngành, mỗi địa phương trên đất nước Việt Nam nơi đâu cũng đều ghi dấu ấn của sự hợp tác hiệu quả và vững bền. Đối với Đắk Lắk, từ năm 1996 đến nay, được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản JICA. Đắk Lắk là một trong những tỉnh, thành phố nhận được sự hợp tác, đầu tư tích cực và có hiệu quả từ Chính phủ Nhật Bản, qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Ngài Satoshi Nakajima - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh tặng hoa cho lãnh đạo UBND tỉnh nhân dịp Chương trình giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức tại Đắk Lắk. |
Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Đắk Lắk hiện đã tiếp nhận 30 dự án với tổng mức đầu tư hơn 597 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực thủy lợi, cấp nước, giao thông và điện. Đây là những chương trình/dự án ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổng Lãnh sự quán và các tổ chức tín dụng chuyên ngành của nước bạn. Trong đó, UBND tỉnh đang quản lý 9 dự án và hiện có 8 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và sử dụng (1 dự án đường giao thông liên huyện Ea H’leo - Krông Năng đang tiếp tục triển khai), đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, từ năm 2005 Đắk Lắk có 02 dự án FDI do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 82,2 triệu USD. Bao gồm dự án trồng hoa xuất khẩu do Công ty TNHH liên kết nông dân làm chủ đầu tư với số vốn 200.000 USD và dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học MS Việt Nam thực hiện tại Khu công nghiệp Hòa Phú với tổng vốn đầu tư 82 triệu USD.
Về khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài NGO, đến nay tỉnh đã tiếp nhận 06 khoản viện trợ với tổng giá trị 698.600 USD. Trong đó Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Đắk Lắk để xây dựng các công trình: Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Ea Kênh - Krông Pắk), Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Cư Mốt - Ea H’leo), Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Tu - TP. Buôn Ma Thuột), 8 phòng học Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Hòa Lễ - Krông Bông), hệ thống cấp nước sinh hoạt buôn Kuaih (xã Ea Kênh - Krông Pắk) và Chương trình phổ cập Kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ… Hiện nay các khoản viện trợ này đã kết thúc và phát huy hiệu quả phục vụ đắc lực cho nhu cầu địa phương thụ hưởng.
Hoạt động giao lưu văn hóa được lãnh đạo 02 nước quan tâm tổ chức hằng năm |
Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh những hoạt động tư vấn và hỗ trợ các thủ tục pháp lý, dạy tiếng Nhật cho học sinh, sinh viên có nhu cầu đi du học, lao động tại Nhật Bản liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, thực tập sinh, sinh viên, kỹ sư Nhật Bản đến thực tập và làm việc tại các công ty Nhật Bản ở Đắk Lắk. UBND tỉnh còn hỗ trợ Trường Đại học Ehime, trường Ngoại ngữ Wakayama, trường Đại học Shizuoka Nhật Bản trong việc kết nối với lãnh đạo các trường THPT, Đại học trên địa bàn tỉnh trong chương trình giới thiệu du học Nhật Bản dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại tỉnh. Từ đây việc kết nối quan hệ, cung cấp thông tin, giới thiệu, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các chương trình khuyến học, hỗ trợ người nghèo, người già cô đơn và trẻ em mồ côi ngày một tăng lên. Điển hình như Quỹ phúc lợi Miyagi (Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận NPO - Nhật Bản) tổ chức trao tặng 87 suất quà gồm vở và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, mồ côi học giỏi tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) với tổng giá trị trên 13 triệu đồng.
Song song với việc tiếp nhận các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài NGO, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực. Nhiều năm qua, nhờ chủ động làm tốt công tác thông tin đối ngoại nên hoạt động đối ngoại nhân dân giữa Đắk Lắk – Nhật Bản cũng khá phong phú với nhiều nội dung và hình thức đa dạng như tọa đàm, giao lưu văn hóa, Hội thảo… Năm 2015, có thể nói là năm thành công của các sự kiện giao lưu văn hóa đáng chú ý như: UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình giao lưu Văn hóa Việt - Nhật nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973 – 21/9/2015); Chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V; Hội thảo tư vấn du học Nhật Bản của Công ty ICO với sự tham gia của hơn 100 học sinh, sinh viên, giáo viên THPT trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Có thể nói, từ những thành tựu về giao lưu văn hóa và đối ngoại nhân dân đã tạo nền tảng cho việc hợp tác về kinh tế. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và một số Đoàn khảo sát, chuyên gia về phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. UBND tỉnh và Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã chủ động tổ chức thành công các sự kiện nhằm kết nối nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk với nông nghiệp Nhật Bản như: Hội thảo “Hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đắk Lắk” (tháng 07/2014); Tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam – Nhật Bản tại tỉnh Đắk Lắk” (tháng 1/2016)...
Đoàn công tác nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo UBND tỉnh nhân chuyến khảo sát, chào xã giao tại tỉnh vào tháng 01/2016. |
Phát biểu tại buổi chào xã giao UBND tỉnh trong chuyến đi khảo sát cùng Đoàn công tác nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản diễn ra vào tháng 01/2016, bà Nakamichi Hitomi – Giáo sư Trường Đại học Ehime – Nhật Bản cho rằng: Tiềm năng về nông nghiệp vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng còn rất lớn. Đắk Lắk và Nhật Bản đã thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp hữu cơ trong 5 năm (2005 - 2010). Đến nay đã xây dựng được Trung tâm nông nghiệp hữu cơ; đưa hơn 60 tu nghiệp sinh đi học, thực tập từ 1 - 3 năm tại Nhật Bản; làm một số thực nghiệm và sản xuất rau quả sạch; thành lập được 2 công ty của người Nhật là Công ty Liên kết nông dân (chuyên thu mua hạt tiêu và chế biến bầu khô để đem sang thị trường Nhật) và Công ty Nico Nico (trồng rau sạch bán cho thị trường Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh)… Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, sản xuất nông nghiệp của Đắk Lắk cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi hội nhập quốc tế hiệu quả hợp tác chưa đạt kết quả như mong muốn. Với những khả năng và điều kiện thực tại chúng tôi mong muốn giúp tỉnh tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, sạch trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Đánh giá về những triển vọng hợp tác trong giai đoạn tới, Bà Mai Hoa Niê Kdăm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành địa chỉ đỏ trong nhiều hoạt động giao lưu và hợp tác, xúc tiến đầu tư với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản; nhu cầu hợp tác trong giai đoạn 2016 của tỉnh với Nhật Bản và một số quốc gia khác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung vào dự án như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng công nghệ lên men nhanh và sản xuất cồn xử lý môi trường trong chế biến cà phê theo phương pháp ướt; phát triển thủy lợi đa mục tiêu phục vụ tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp… Hy vọng rằng, với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực giúp Đắk Lắk chủ động hơn nữa trong hội nhập và hợp tác quốc tế với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo Daklak.gov.vn