Nghiệm thu đề tài: “Đánh giá mầm bệnh ký sinh trùng trên rau ăn ngay ở một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”
Ngày đăng: 23/04/2015 13:55
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/04/2015 13:55
Ngày 22/4/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội đồng nghiệm thu kết quả đề tài: “Đánh giá mầm bệnh ký sinh trùng trên rau ăn ngay ở một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Đề tài do Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Đắk Lắk thực hiện và Th.s Bs Mai Đình Hà làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu |
Tại Thành phố Buôn Ma Thuột có hành ngàn cơ sở kinh doanh thức ăn nói chung và kinh doanh thức ăn đường phố nói riêng kinh doanh các món ăn có kèm rau ăn sống, tuy nhiên chưa có một nghiên cứu nào về tình trạng ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trên rau ăn sống tại các quán ăn cũng như kinh doanh thức ăn đường phố. Chính vì vậy, nội dung nghiên cứu của đề tài là: Xác định tỷ lệ nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trên rau ăn ngay ở một số cơ sở kinh doanh quán ăn đường phố tại thành phố Buôn Ma Thuột; điều tra kiến thức thực hành về phòng chống các bệnh ký sinh trùng của chủ cơ sở hoặc người chế biến thực phẩm, phân tích mối liên quan tỷ lệ ký sinh trùng trên rau ăn ngay và kiến thức thực hành của chủ cơ sở hoặc người chế biến thực phẩm; sau đó đề xuất biện pháp phòng bệnh ký sinh trùng từ rau ăn ngay.
Qua quá trình nghiên cứu, với 408 mẫu rau được xét nghiệm chủ yếu là hỗn hợp các loại rau ăn sống như rau xà lách, rau muống, giá sống, rau ngò, hành lá, răm, ngổ, quế, bạc hà… dùng để ăn các món bún, phở, bánh xèo... Tỷ lệ mẫu rau ăn ngay có nhiễm ký sinh trùng là 42,64%, trong đó rau nguyên lá hỗn hợp nhiễm ký sinh trùng 46,33% cao hơn rau bào nhỏ hỗn hợp 38,42%. Một đặc điểm trong nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đa bào, đơn bào ở rau ăn ngay mà nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ mẫu rau nhiễm cao nhất là nhiễm giun đũa chó 29,41%, nếu người tiêu dùng ăn rau này sẽ có khả năng nhiễm giun đũa chó mà không hề phải tiếp xúc với chó hay với đất; Giun móc chó thì có ở 9,07% các mẫu rau, những loại giun của chó có ở trong rau đều liên quan đến thói quen nuôi chó thả rông tại những vùng trồng rau; Sán lá lớn 7,6% có thể liên quan đến thói quen bón phân bò chưa ủ kỹ; Giun móc người là 2,45%.... Có thể nói, việc sử dụng thức ăn đường phố, đặc biệt là các loại rau ăn sống nếu không có kiến thức và ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như cách chế biến đảm bảo vấn đề ô nhiễm các loại mầm bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh ở người sử dụng là rất cao.
Ban Chủ nhiệm đề tài |
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, hội đồng nghiệm thu cũng đã đánh giá cao tính mới và tính cấp thiết đối với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa các nội dung trong báo cáo, đặc biệt cần phải đề ra những giải pháp cụ thể để có thể giúp cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương được hiệu quả, cũng như đối với người chế biến thực phẩm và người sử dụng hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng rau ăn sống đối với sức khỏe con người.
Theo Minh Hồng