Nâng cao năng lực cạnh tranh: Bắt đầu từ đổi mới công nghệ và chuyển đổi số
Ngày đăng: 23/05/2023 08:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/05/2023 08:01
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ thì đổi mới công nghệ sản xuất và áp dụng chuyển đổi số là điều tất yếu đối với từng doanh nghiệp (DN), địa phương.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn. |
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Thời gian dần đây, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất.
Một trong những DN đi đầu về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến ca cao là Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana). Những ngày đầu mới thành lập, đơn vị tự tìm hiểu quy trình sản xuất bột ca cao rồi đặt hàng cho DN cơ khí chế tạo các loại máy đơn giản để chế biến loại nông sản này. Xác định chỉ có may móc, thiết bị đồng bộ mới có thể sản xuất theo quy mô công nghiệp, giai đoạn 2015 – 2017, DN phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án đầu tư dây chuyền chế biến liên hoàn từ nguyên liệu thô đến bột ca cao và chocolate. Tuy nhiên, công nghệ áp dụng vẫn theo tiêu chuẩn Việt Nam nên sản phẩm còn nhiều lỗi. Để tiếp cận công nghệ chế biến ca cao của thế giới, công ty đã thuê chuyên gia đến từ Anh, Bỉ về hướng dẫn công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó, công ty nhập khẩu máy móc, thiết bị của Ý với công nghệ hoàn thiện đạt chuẩn châu Âu. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, với công nghệ hiện đại, sản phẩm của công ty không chỉ đạt chuẩn chất lượng mà khắc phục được hạn chế lâu nay là dễ bị tan chảy ở môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng có khả năng chế biến ra 10 dòng sản phẩm ca cao và chocolate, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, hiện sản phẩm đã xuất đi Canada và Nhật Bản.
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà |
Tương tự, Công ty Cổ phần Nông sản N&H cũng đã ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ năm 2021 trở lại đây, công ty đã chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại để chế biến sâu những sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Các sản phẩm được chế biến bằng công nghệ sấy thăng hoa – được đánh giá là công nghệ sấy nông sản ưu việt nhất hiện nay. Chế biến bằng công nghệ này không sử dụng chất bảo quản, không có đường. Do đó sản phẩm giữ được gần như nguyên vẹn thành phần dinh dưỡng, thời gian sử dụng kéo dài, chi phí bảo quản thấp hơn nhiều so với nông sản sấy bằng phương pháp khác. Theo đánh giá của công ty, mặc dù đầu tư máy móc chế biến theo công nghệ sấy thăng hoa có chi phí cao, nhưng sản phẩm đạt chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây sẽ là xu thế phổ biến trong chế biến, bảo quản nông sản thời gian tới.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số
Để hướng đến nền kinh tế số thì điều quan trọng nhất là phải phát triển DN số. Toàn tỉnh, hiện có 12.075 DN đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 400 DN công nghệ thông tin. Các DN công nghệ thông tin trên địa bàn có quy mô nhỏ, chủ yếu mua bán thiết bị, cung cấp dịch vụ và sản phẩm đóng gói. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch phát triển DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có 20% số DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quá trình sản xuất, kinh doanh; 50% DN kinh doanh qua mạng Internet; thành lập 20 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số. Đến năm 2030, có trên 90% DN ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quá trình sản xuất, kinh doanh; trên 80% DN kinh doanh qua mạng Internet; 100% DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; thành lập 50 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, với tổng quy mô hoạt động khoảng 500 – 1.000 người; thu hút từ 5 - 10 DN công nghệ thông tin lớn trở lên đầu tư vào Đắk Lắk…
Sản phẩm nông sản sấy theo công nghệ thăng hoa. |
Để thực hiện và đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán, sáp nhập DN công nghệ số; hoàn thiện các chính sách khuyến khích về phát triển DN, trong đó có DN số; xây dựng các chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các DN công nghệ số; nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách về thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ số… Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ định hướng, hỗ trợ tối thiểu một DN công nghệ số phát triển sản phẩm số trọng điểm của tỉnh, trở thành đơn vị trụ cột trong hệ sinh thái DN công nghệ số của tỉnh; phát triển 3 - 5 nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; tạo lập, định hướng và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghệ số, giúp DN phát triển vững chắc; đồng thời, tăng cường sử dụng các ứng dụng nền tảng xã hội trong nước, đặc biệt là mạng xã hội.
Về nhân lực, tỉnh cũng chú trọng xây dựng các chính sách đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành đội ngũ chuyên ngành (thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông) chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trên môi trường Internet như: thành lập các cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, tự động hóa… của tỉnh để đào tạo kiến thức, tay nghề chất lượng cao; triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm đào tạo ra thế hệ đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo Đắk Lắk