Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường quốc doanh
Ngày đăng: 27/07/2015 09:35
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/07/2015 09:35
Ngày 24/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường quốc doanh – Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Tham dự Hội thảo có ông K’Sor Phước - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát; ông Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, doanh nghiệp quốc doanh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, các nông trường quốc doanh đã chuyển đổi thành các Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Qua chuyển đổi, sắp xếp, việc quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được một số kết quả tích cực như có 25% nông, lâm trường đã chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất theo quy định; 56% nông, lâm trường với 57% tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có 16 tỉnh hoàn thành đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nông, lâm trường đã bàn giao gần 532.000 ha đất cho chính quyền địa phương quản lý để giao cho dân và đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng; các đơn vị đã lập phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đã giảm, đời sống và thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện.
Ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tham luận về tình hình quản lý, sử dụng đất tại các nông trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh. |
Qua đánh giá của Đoàn giám sát và ý kiến tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác quản lý, sử dụng đất ở các nông trường quốc doanh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhiều nông trường chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, hiện các nông trường còn nợ 51% số tiền sử dụng đất và 20% tiền thuế đất phải nộp; tình trạng đất hoang hóa chưa sử dụng còn nhiều; năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp; công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo để xảy ra tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép sang làm nhà ở, công trình dịch vụ; vẫn còn 43,5% đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bàn giao đất cho địa phương quản lý còn chậm; tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông trường vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau…
Đối với tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 62 đơn vị nông, lâm trường, được nhà nước giao quản lý 76.994 ha, trong đó các nông trường thuộc Trung ương quản lý chiếm 66,16%. Tính đến cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành 174 Quyết định thu hồi hơn 19.139 ha đất của các nông trường, diện tích thu hồi được giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Ngoài ra, UBND tỉnh thu hồi một số diện tích để lập dự án ổn định dân cư tự do, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và cho một số doanh nghiệp thuê để sản xuất kinh doanh. Đến nay, phần lớn diện tích bàn giao cho địa phương chưa được thống kê chi tiết và lập hồ sơ địa chính dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
Ông K’Sor Phước - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông K’Sor Phước - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng tài nguyên đất ở các nông trường quốc doanh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết 28 đề ra cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp trong việc giao đất, cho thuê đất. Qua Hội thảo, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp để tổng hợp trình Quốc hội xem xét, đưa ra các cơ chế, chính sách thực hiện tốt vấn đề này trong thời gian tới.
Theo Daklak.gov.vn