Krông Ana tích cực thực hiện chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch
Ngày đăng: 21/04/2020 08:55
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/04/2020 08:55
Thực hiện chủ trương chấm dứt sản xuất gạch bằng công nghệ cũ vào cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Ana đang tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất theo công nghệ mới.
Dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Quang Dũng Đắk Lắk. |
Theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh, chậm nhất trước ngày 31-12-2020, các cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn tỉnh phải chấm dứt hoạt động. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Krông Ana hiện có 60 cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ nung đốt liên tục kiểu đứng cần phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2020. Tính đến đầu năm 2020 toàn huyện có 14/74 cơ sở sản xuất gạch ngưng hoạt động, các cơ sở còn lại đã ký cam kết chấm dứt hoạt động theo lộ trình.
Nhằm thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất gạch theo quy định, một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển đổi công nghệ. Như Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Quang Dũng Đắk Lắk (gọi tắt Công ty Quang Dũng), sau khi có chủ trương đầu tư cải tạo, chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung vào cuối năm 2019, doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục gửi đến cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Quang Dũng cho biết, tháng 9-2002, đơn vị đầu tư 6 cặp lò sản xuất gạch đất sét nung liên tục kiểu đứng, công suất 12 triệu viên/năm. Trong những năm qua đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động địa phương, với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Song thực tế sản xuất theo công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng, tỷ lệ khói thải ra môi trường còn cao. Trong khi đó, với lò tuynel, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và tăng năng suất lao động. Việc chuyển đổi công nghệ là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Được biết, Công ty Quang Dũng dự kiến xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất gạch tuynel trên diện tích 15.000 m2, công suất thiết kế 15 triệu viên/năm, với vùng nguyên liệu sét khoảng 11 ha, tập trung chủ yếu ở buôn M’Blớt và buôn Sah (xã Ea Bông). Theo bà Nhung phân tích, lò tuynel được chia thành 3 vùng gồm: vùng đốt nóng, vùng nung và vùng làm nguội. Do đó, với công nghệ tuynel, lượng bụi và nhiệt thải ra ở mức tối thiểu nên ít tác động tới môi trường. Cùng với đó, nếu sản xuất theo công nghệ lò liên tục kiểu đứng, để đạt công suất 12 triệu viên/năm, doanh nghiệp cần khoảng 85 lao động thường xuyên và thời vụ, còn với công nghệ tuynel công suất 15 triệu viên/năm chỉ cần từ 50 đến 55 lao động làm việc.
Tương tự, tại Công ty TNHH Việt Tiến Anh hiện đang sản xuất gạch theo công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng, với 4 cặp lò, công suất 7 triệu viên/năm. Tháng 2-2019, đơn vị được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư cải tạo, chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò nung liên tục kiểu đứng sang lò tuynel. Hiện nay, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục cần thiết về mặt bằng sản xuất, vốn và các hồ sơ đề nghị chuyển đổi nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh. Ông Vũ Hoàng Vân, Giám đốc Công ty Việt Tiến Anh cho hay, đơn vị dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ tuynel trên diện tích khoảng 14.000 m2, kinh phí từ 15 đến 18 tỷ đồng. Với công nghệ mới, sau khi đưa vào hoạt động sẽ sử dụng robot sắp gạch thay người, do đó năng suất, sản lượng sẽ rất cao. Dự kiến, với công suất khoảng 15 triệu viên/năm, đơn vị chỉ cần khoảng 20 lao động (bằng một nửa so với công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng). Bên cạnh đó, với việc tận dụng nguồn nhiệt dư bên buồng nung để sấy gạch, thay vì phải phơi bên ngoài theo công nghệ lò nung kiểu đứng, hoạt động sản xuất ít bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết.
Đến nay, trên địa bàn huyện Krông Ana đã có 14/74 cơ sở dừng hoạt động, đặc biệt có 3 doanh nghiệp đã xin chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel để thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí)… Tuy nhiên, để thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp có vốn điều hành thấp. Do đó rất cần có sự hỗ trợ kịp thời về chính sách, vốn... để những doanh nghiệp này chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm đời sống người lao động.
Trong tổng số 60 cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò nung kiểu đứng đang hoạt động trên địa bàn huyện Krông Ana có 8 cơ sở cần chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel nằm; 2 cơ sở chuyển sang chăn nuôi; các cơ sở còn lại chưa xác định được nhu cầu chuyển đổi nghề khi chấm dứt hoạt động. |
Theo Báo Đắk Lắk