Khu vực Tây Nguyên sẽ có 03 cảng cạn tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai
Ngày đăng: 26/02/2016 09:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/02/2016 09:46
Chiều 25/02, Đoàn công tác Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để nâng cao chất lượng và đảm bảo tính thông nhất, đồng bộ với quy hoạch phát triển của địa phương. Tiếp và việc với Đoàn công tác có bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành liên quan. Về phía Đoàn công tác có ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và đại diện Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Khánh Hòa.
Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đã trình bày về Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống Cảng cạn Đắk Lắk. Theo đó, quy hoạch này nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt theo Quyết định 2223/QĐ-TTg ngày 13/12/2011. Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch và trình Bộ Giao thông Vận tải tại tờ trình số 1578/TTr-CHHVN ngày 17/12/2015. Tại khu vực Tây Nguyên, dự thảo đề xuất có 03 cảng cạn tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai.
Sau khi được nghe tóm tắt nội dung quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn, hai bên đã trao đổi về chủ trương của địa phương đối với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, vị trí đề xuất, việc kết nối cảng cạn với phát triển khu công nghiệp, cửa khẩu. Theo đề xuất, quy hoạch Cảng cạn Đắk Lắk chủ yếu phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh đến với cảng biển Quy Nhơn và Khánh Hòa. Vị trí xây dựng ở khu vực lân cận thành phố Buôn Ma Thuột trên tuyến Quốc lộ 26. Tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 10 ha, đến năm 2030 là 20 ha. Công suất đến năm 2020 khoảng 100.000 TEU/năm, đến năm 2030 là khoảng 150.000 TEU/năm (TEU là đơn vị đo của hàng hóa được côngtenơ hóa tương đương với một côngtenơ tiêu chuẩn). Hệ thống Cảng cạn sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 19 xuống cảng biển Quy Nhơn; Quốc lộ 26 xuống cảng biển Khánh Hòa.
Ông Đỗ Hồng Thái- Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Góp ý vào quy hoạch chi tiết Cảng cạn Đắk Lắk, đại diện các Sở, ngành cho rằng, đơn vị tư vấn cần khảo sát và tính toán hiệu quả khai thác để xác định vị trí phù hợp với luồng vận chuyển hàng hóa. Thời gian tới, đơn vị tư vấn cần phối hợp với các Sở, ngành địa phương để tìm hiểu thực trạng và tiềm lực kinh tế - xã hội tại địa phương và đề xuất phương án cụ thể khi đặt cảng cạn trên các tuyến để thuận lợi cho tỉnh xem xét, quyết định lại vị trí xây dựng. Ý kiến từ các Cảng vụ lân cận đề xuất UBND tỉnh cần lưu tâm đến thói quen truyền thống của các chủ hàng, đầu mối giao thông phục vụ cho xuất khẩu để hình thành vị trí đặt cảng cạn, kết nối hạ tầng cứng với dịch vụ hải quan, bảo hiểm,...đảm bảo khi cảng cạn hoàn thành sẽ là cánh tay nối dài của cảng biển; hỗ trợ và tăng hiệu quả tổ chức vận tải hàng hóa giữa nguồn hàng và cảng biển, là động lực để tăng thu thuế cho địa phương, tạo môi trường để hấp dẫn, thu hút đầu tư.
Ông Y Puăt Tơr – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phát biểu tham gia góp ý vào Quy hoạch. |
Phát biểu tại buổi làm việc, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, việc xây dựng Cảng cạn Đắk Lắk là định hướng đúng đắn và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Quan điểm của địa phương thống nhất với chủ trương bổ sung Cảng cạn Đắk Lắk vào Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Căn cứ ý kiến góp ý của các đơn vị và Sở, ngành, Cảng vụ các địa phương, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉnh sửa lại Quy hoạch chi tiết theo đề xuất của các đơn vị đã thống nhất tại cuộc họp, phù hợp chiến lược kinh tế biển. Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh báo cáo bằng văn bản vị trí địa điểm xây dựng để Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Daklak.gov.vn