Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị, chất lượng cao, bền vững, trách nhiệm
Ngày đăng: 08/02/2023 08:17
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/02/2023 08:17
Với những nỗ lực tích cực, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực, góp phần giúp ngành cơ bản phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời tạo tiền đề, động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.
Sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk đã chinh phục và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, giá cả đầu vào sản xuất tăng cao, song sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk vẫn phát triển ổn định và đạt được những kết quả khá toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Theo đó, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 21.217 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch; tăng 5,66% so với năm 2021, cao gấp 1,8 lần so với bình quân chung cả nước.
Các chỉ tiêu KT-XH tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, như: tổng diện tích gieo trồng đạt gần 679.000 ha, tăng 16.283 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 23.656 tấn; thuỷ lợi bảo đảm tưới chủ động cho 83,28% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, tăng 0,76%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 96%, tăng 0,5%; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là 52 %, tăng 5,3% (8 xã) so với 2021.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh đạt trên 1.300 triệu USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (cả tỉnh đạt 1.500 triệu USD), tăng 30,4% so với năm 2021, đã góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm sầu riêng, mắc ca Đắk Lắk đã chinh phục và xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản.
Năm 2022 cũng là năm thành công của ngành hàng cà phê - mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk về năng suất, giá thành và sản lượng xuất khẩu. Giá cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh niên vụ 2021-2022 là 42.388 đồng/kg; tăng 24,1% so với giá bình quân niên vụ 2020-2021. Tổng sản lượng đạt 526.793 tấn, tăng 17.894 tấn so với niên vụ trước. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 380.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 798 USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê với 106.404 tấn, đạt kim ngạch gần 220 triệu USD. Ông Thái Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng 28% so với năm trước và phát triển lượng khách hàng mới tăng hơn 50%. Đặc biệt, đơn vị bám chắc địa bàn nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với các hợp tác xã, các vùng nông nghiệp trọng điểm ở Tây Nguyên, tạo chuỗi cung ứng từ nông dân đến nhà xuất khẩu.
Những kết quả nổi bật trên là tiền đề, động lực quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phấn đấu, đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, cụ thể như: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 22.275 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 56,6%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 39,24%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh xác định sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới là nòng cốt, là nền tảng quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương. Do đó, năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng hàng nông sản; huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngành chủ trương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, thu hút doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, năm 2023 đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiều vấn đề quan trọng cần bảo đảm thực hiện tốt, đặc biệt là việc đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu…
Do đó, toàn ngành cần tiếp tục quyết liệt hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được cụ thể hóa trong các chương trình của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là quán triệt và phát huy đầy đủ tư duy “kinh tế nông nghiệp”; tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm; thực hiện tốt mối liên kết hợp tác giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp, đây là liên kết rất quan trọng, bảo đảm cho vận hành chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến thị trường có hiệu quả và bền vững; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn...
Daklak.gov.vn