Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 lần thứ VIII
Ngày đăng: 10/04/2015 08:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/04/2015 08:33
Chiều 9/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp lần thứ VIII nhằm đánh giá tình hình công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tham dự cuộc họp có các thành viên trong Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp |
Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp với nhiều hoạt động được triển khai sâu rộng, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp được thực hiện có hiệu quả. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2014 hầu hết các chỉ tiêu về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đều đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,54 tỷ USD. Các cơ quan chức năng đã phát hiện 25.658 vụ vi phạm lâm luật, giảm 6% so với năm 2013. Đối với công tác phát triển rừng, đã tập trung trồng được 223.840 ha, đạt 108% kế hoạch; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 10,3 triệu m3, tăng 29% so với năm 2013; các địa phương trong cả nước đã huy động được nguồn thu 1.335 tỷ đồng từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tính đến hết tháng 12/2014, các địa phương đã trồng 7.870 ha rừng thay thế, trong đó có nhiều địa phương triển khai tốt như: Tuyên Quang, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum…
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, tính từ năm 2013 đến nay đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 795 ha, trọng điểm khai thác gỗ trái phép tập trung chủ yếu ở các khu vực còn rừng tự nhiên, khu vực biên giới. Đối với công tác điều tra, kiểm kê rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên, tổng diện tích rừng sau kiểm kê là trên 2,5 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên trên 2,2 triệu ha và rừng trồng trên 313 nghìn ha; tổng trữ lượng gỗ rừng (gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên) là hơn 302 triệu m3. Từ năm 2013 đến nay, công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế trên địa bàn Tây Nguyên đã có tiến bộ, nhưng kết quả còn thấp, một số tỉnh chưa thực sự quan tâm, chú ý đến công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác. Cụ thể, diện tích trồng rừng tập trung tăng từ 7.100 ha/năm trong các năm 2011, 2012 và đạt 12.500ha/năm trong các năm 2013, 2014. Riêng trong năm 2014, toàn vùng trồng được 13.431ha, đạt 74% kế hoạch năm. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đạt bình quân trên 9 nghìn ha/năm.
Ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận các chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: công tác triển khai xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; kinh phí hỗ trợ phát triển rừng; việc thu phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng; công tác trồng rừng thay thế ở những dự án thủy điện; các giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm…
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 phát biểu kết luận cuộc họp. |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc các chỉ tiêu về bảo vệ phát triển rừng năm 2014 đều đạt và vượt kế hoạch đã cho thấy sự nỗ lực lớn của các Bộ, ngành, địa phương. Để công tác bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cần nghiên cứu các mô hình phát triển rừng phù hợp với đặc thù từng địa bàn để đảm bảo phát triển rừng bền vững; các địa phương có tỉ lệ trồng rừng đạt thấp cần kiểm tra lại kế hoạch và sớm triển khai trong năm 2015, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác dự báo và phòng chống cháy rừng; đẩy mạnh các hoạt động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Daklak.gov.vn