Hội thảo “Kết quả nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trên Voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk và đề xuất một số giải pháp khôi phục khả năng sinh sản”
Ngày đăng: 23/05/2019 16:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/05/2019 16:25
Sáng 23/5, tại Hội trường Khách sạn Đam san - Thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Bảo tồn voi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trên Voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk và đề xuất một số giải pháp khôi phục khả năng sinh sản”. Đây là kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng (Elephas maximus) tại Đắk Lắk”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan quản lý đề tài), các chủ voi tham gia vào nghiên cứu, các chuyên gia và các sở, ban, ngành chuyên môn.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả của nhiệm vụ khoa học và xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, các chủ voi để tổng kết hoàn thiện các kết quả nghiên cứu.
Ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi phát biểu khai mạc Hội thảo |
Qua Báo cáo hội thảo khoa học nhận thấy Ban chủ nhiệm đề tài đã bám sát mục tiêu nghiên cứu là xác định một số nguyên nhân làm mất khả năng sinh sản của đàn voi thuần dưỡng trong thời gian qua; Đề xuất các giải pháp tiềm năng để cải thiện khả năng sinh sản voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk. Kết quả sau quá trình nghiên cứu đề tài đã đưa ra một số kết luận như sau:
Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
1) Kết quả phân tích 3 loại hormone progesterone, estradion và LH trong 8 cá thể voi cái là: Dựa vào nồng độ progesterone trong máu đã xác định được 8 cá thể voi có chu kỳ động dục bình thường (chu kỳ động dục 15,2 ± 1,4 tuần, gồm giai đoạn hoàng thể 10,5 ± 1,2 tuần và giai đoạn phi hoàng thể 4,7 ± 0,7 tuần) và có thể sinh sản nếu được giao phối gồm cá thể voi Bun Kon, H’Túc, Ta Nuol ở huyện Buôn Đôn và H’Tau, Mong Sen, Ban Nang, Bắc On, Bắc Khăm ở huyện Lắk; Nồng độ estradion và LH chưa xác định được voi có chu kỳ động dục.
2) Kết quả nghiên cứu các chỉ tiêu trên voi đực: Dựa vào chỉ số ngoại hình có 14/17, chiếm 82,3% cá thể còn khả năng giao phối sinh sản. Dựa vào biểu hiện tính hăng có 12/17, chiếm 70,6% cá thể có khả năng giao phối để sinh sản. Dựa vào nồng độ hormone Testosterone có 7/8, chiếm 87,5% cá thể còn khả năng giao phối.
3) Kết quả tập tính, sự tương tác khi giao phối, mang thai sinh sản: Voi cái có lựa chọn voi đực để giao phối; Có 3/8 cá thể đã mang thai (02 cá thể đã sinh sản tuy nhiên voi con đã chết trong quá trình sinh sản và 01 cá thể hiện nay đang mang thai được dự sinh vào tháng 2/2020).
4) Nguyên nhân xã hội có tác động rõ nét đến khả năng sinh sản của đàn voi đó là: Tâm lý của người nuôi voi không muốn voi sinh sản; Phương thức quản lý voi bằng cách xích voi hai chân trước với nhau, xích vào cây là nguyên nhân làm voi cái và voi đực không thể gặp nhau để giao phối; Nguồn thu nhập từ phục vụ du lịch đã hạn chế việc voi gặp nhau để giao phối.
ThS. Nguyễn Công Chung – Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả khoa học |
Từ kết quả nghiên cứu như trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất 3 giải pháp khôi phục khả năng sinh sản của đàn voi thuần dưỡng, cụ thể: Giải pháp về kỹ thuật là tiếp tục thực hiện lấy máu, kiểm tra nồng độ hormone progesterone trong máu của 8 cá thể voi tham gia nghiên cứu và những cá thể voi cái khác dưới 45 tuổi để xác định thời điểm rụng trứng thả giao phối sinh sản. Đồng thời sớm hoàn thiện khu nuôi nhốt voi tại huyện Buôn Đôn để thả voi tự do cho giao phối; Giải pháp về nguồn giống là hiện nay toàn bộ số voi cái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đa số trên 35 tuổi, vượt ngưỡng trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của voi là 12-30 tuổi, do đó khi voi mang thai và sinh sản ở độ tuổi này khó thành công. Chính vì vậy, cần bổ sung nguồn giống, những cá thể voi cái trẻ để có thể sinh sản bằng 2 phương án như: Bắt từ 2-3 cá thể voi cái hoang dã để làm nguồn giống nuôi sinh sản; Hợp tác quốc tế để đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ nguồn giống sinh sản; Và một số giải pháp về chính sách.
GS.TS Bảo Huy – Chuyên gia độc lập phát biểu tại Hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao ý nghĩa của nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để việc sinh sản trên voi thuần dưỡng cũng như việc bảo tồn voi ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều thách thức như đàn voi nhà phần lớn đã già và đang phải thường xuyên phục vụ du lịch, cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn còn nhiều hạn chế…
Với những đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các chủ voi, nhà quản lý và các đại biểu tham dự tại hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã trao đổi những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện và ghi nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu.
Minh Hồng