Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số
Ngày đăng: 19/07/2024 15:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/07/2024 15:27
Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
|
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình CĐS thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) báo cáo kết quả CĐS giai đoạn 2021-2024 cho thấy, CĐS được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho CĐS quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Giai đoạn 2021-2024, Quốc hội đã ban hành 3 Luật liên quan (Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử và Luật Căn cước). Chính phủ đã ban hành 19 Nghị định. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 45 Thông tư. Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh (đã có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06). Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo... cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng như: Dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo... đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.
Giám đốc Sở TT&TT Trương Hoài Anh phát biểu tại hội nghị
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, CĐS tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chính phủ số triển khai không đồng đều; hiệu quả sử dụng DVCTT toàn trình chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; phát triển doanh nghiệp công nghệ số các địa phương không đồng đều….
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; CĐS đã trở thành phong trào, là xu thế; CĐS được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, xuyên suốt... CĐS đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu thói quen sử dụng CĐS và đã đạt được một số kết quả khả quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về CĐS để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới. Đồng thời tập trung phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Ưu tiên nguồn lực để phát triển cho CĐS, cho kinh tế số, con người số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý điều hành phải số hóa và sử dụng trí tuệ thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình)
|
Thủ tướng nhấn mạnh, cần mạnh dạn tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 5 “đẩy mạnh", 5 "bảo đảm" gắn với 5 "không".
+ 5 đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong CĐS; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số; đẩy mạnh an ninh an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, con người số, kỹ năng số và nhân lực số.
+ 5 đảm bảo gồm: Đảm bảo triển khai CĐS, Đề án 06 đồng bộ hiệu quả; đảm bảo nguồn lực cho CĐS quốc gia; đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến, thiết yếu cho người dân tiếp cận dễ dàng, an toàn, thuận tiện; đảm bảo nhân lực cho CĐS và các nhân lực các ngành kinh tế số mới nổi; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
+ 5 không gồm: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia; không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch điện tử; không giấy tờ hướng tới số hóa quản lý; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí.
Cát Lâm