Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022
Ngày đăng: 18/03/2022 08:28
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/03/2022 08:28
Ngày 17/3, tại Thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Trung ương và các địa phương trong giai đoạn 2021 và trao đổi, thảo luận về những định hướng trong hoạt động SHTT năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc tại Hội nghị
|
Tham dự sự kiện có đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lê Ánh Dương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đồng chí Lê Ô Pích - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Cục SHTT; đại diện Lãnh đạo và cán bộ của Sở KH&CN đến từ các tỉnh/thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo của các Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó.
Năm 2021 hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng với những thành tựu đã đạt được cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc thiết lập những cơ chế, chính sách có liên quan, lĩnh vực SHTT sẽ có những bước phát triển mới và có tính đột phá nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược SHTT quốc gia.
Đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định KH&CN và SHTT là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa. Từ thực tiễn sinh động, KH&CN và SHTT tiếp tục được coi là động lực hàng đầu để Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên, vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô gần 50 nghìn ha, trong đó huyện Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, tỉnh quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện tại, Bắc Giang có 2.569 đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 1.284 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - nhiều nhất so với các tỉnh trong cả nước. Đến nay, đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại một số nước. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đồng chí khẳng định, Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà quản lý SHTT, các tổ chức, doanh nghiệp rà soát hoạt động QLNN về SHTT trong thời gian qua nhằm xây dựng những giải pháp phát triển SHTT trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Cục SHTT trình bày Báo cáo tổng quan hoạt động QLNN về SHTT năm 2021 ở Trung ương và địa phương; Hướng dẫn Luật SHTT, tiến độ và các vấn đề sửa đổi, bổ sung có tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương. Hội nghị cũng đã nghe Báo cáo về thực trạng, khó khăn, thách thức và kinh nghiệm trong hoạt động QLNN về SHTT tại Bắc Giang; Báo cáo hoạt động quản lý nhà nước đối với tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng từ ngân sách nhà nước của Sở KH&CN Tp.HCM; Báo cáo sở hữu trí tuệ trong phát triển các sản phẩm OCOP tại Việt Nam của đại diện Chương trình OCOP Quốc gia; Báo cáo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp ...
Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội nghị và Cục SHTT đã trao đổi, thảo luận về các biện pháp đẩy nhanh công tác xử lý đơn SHCN; những khó khăn, bất cập trong việc triển khai Điều lệ sáng kiến; việc quản trị, phát triển, định giá và sử dụng tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc chậm trễ trong xây dựng các Thông tư hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, đề xuất xây dựng Chương trình phát triển tài sản thành Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai Chiến lược SHTT quốc gia; huy động hệ thống chính trị địa phương vào việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT tại địa phương...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
|
Đối với các vấn đề được đại diện các địa phương trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trực tiếp chỉ đạo Cục SHTT phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 để có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua. Cục SHTT tiếp tục nghiên cứu triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh công tác xử lý đơn SHCN như đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tuyển dụng và đào tạo nhân lực, cải tiến quy trình, thủ tục, tham khảo kết quả thẩm định của nước ngoài...
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở HTT cảm ơn các tham luận, ý kiến trao đổi của đại biểu và cho rằng đây là những chia sẻ hữu ích, kinh nghiệm quý cho hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Đồng chí tiếp thu các ý kiến kiến nghị của đại biểu về đẩy nhanh xử lý đơn sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, sáng chế.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm gian hàng trưng bày tại Hội nghị. |
Về định hướng hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, Bộ KH&CN đang tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật SHTT sửa đổi tới đây, đồng thời xây dựng và trình các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030; triển khai đẩy mạnh bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng; chủ động tham gia đàm phán thi hành các nội dung SHTT trong hội nhập quốc tế và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, tập trung cho sáng chế, truy xuất nguồn gốc...; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cán bộ.
Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, nhất là giữa Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tăng hiệu quả thực thi quyền SHTT. Khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về trí tuệ như sáng tạo, xác lập tài sản; tăng cường nhân lực và xây dựng văn hóa trí tuệ.
Nhân dịp Hội nghị SHTT năm 2022, Bộ KH&CN đã tặng thưởng Bằng khen cho 7 cá nhân, 2 tập thể của Bộ trưởng Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quản lý nhà nước SHTT. Sở KH&CN và 3 huyện Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Tân Yên được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển tài sản SHTT; nhiều cá nhân, tổ chức được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì có thành tích trong hoạt động SHTT; một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động QLNN về SHTT năm 2021.
Thanh Bình