Hội nghị phổ biến Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015
Ngày đăng: 20/06/2017 14:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/06/2017 14:46
Sáng 20/6, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung mới của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị dự toán cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phổ biến, giới thiệu các chuyên đề như: những điểm mới của Luật NSNN năm 2015; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015; phân cấp quản lý NSNN theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn; lập dự toán NSNN theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn; chấp hành NSNN; kế toán, quyết toán, kiểm toán NSNN; công khai, minh bạch ngân sách; một số nội dung cơ bản của Thông tư số 344/2016/TT-BTC, ngày 30/12/2016 của Bộ Tài Chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn…
Luật NSNN năm 2015 được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 25/6/2015, thay thế Luật NSNN năm 2002 và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017. Luật NSNN năm 2015 bao gồm 7 Chương, 77 Điều, giảm 01 chương (bỏ Chương Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm đã được quy định ở các Luật khác), giữ số điều so với Luật NSNN năm 2002. Luật này quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát NSNN và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực NSNN.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hồ Xuân Phước phát biểu khai mạc Hội nghị |
Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật NSNN năm 2002, Luật NSNN năm 2015 hướng tới đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, bảo đảm tính thống nhất của NSNN và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính – NSNN, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý nợ công, quản lý rủi ro; bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo Daklak.gov.vn