Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam
Ngày đăng: 14/08/2015 09:59
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/08/2015 09:59
Sáng 13/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê An Hải – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định, Vụ phó Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) bao gồm 13 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (của Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan, Champasak (của Lào); Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri, Kratie (của Campuchia). Với xuất phát điểm thấp và thế mạnh của khu vực là các sản phẩm nông, lâm nghiệp, hoạt động trao đổi, phát triển thương mại tại các tỉnh tại khu vực còn hạn chế. Để phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực CLV, Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam ( Hiệp định CLV-DTA) nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại, phát triển kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới tại các tỉnh trong khu vực là hết sức cần thiết.
Theo dự thảo, Hiệp định CLV-DTA có 6 chương với 24 điều, trong đó có những quy định quan trọng như chính sách xúc tiến thương mại, thương mại biên giới, hợp tác kinh tế, hợp tác kỹ thuật, công tác phối hợp giữa các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển. Đối với thương mại hàng hóa, các bên sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa có xuất xứ từ khu vực Tam giác phát triển CLV ; tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu. Các bên cam kết tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa trao đổi qua biên giới giữa các tỉnh khu vực Tam giác phát triển CLV. Hiệp định cũng nêu rõ tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hải quan, kiểm dịch y tế. Để đẩy mạnh giao thương, các bên thống nhất sẽ tổ chức định kỳ mỗi năm luân phiên ít nhất 01 hội chợ triển lãm thương mại quốc tế trong khu vực Tam giác phát triển CLV.
Hiệp định CLV-DTA sẽ hướng tới những mục tiêu như: tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại giữa các tỉnh của ba nước trong khu vực Tam giác phát triển CLV, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, ổn định thị trường; xây dựng môi trường phát triển thống nhất, phát huy tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương hướng tới phát triển kinh tế-xã hội của khu vực; tăng cường mối quan hệ toàn diện của Việt Nam với Lào và Campuchia.
Ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, Bộ Công thương cho biết, đến thời điểm hiện nay 3 nước cơ bản nhất trí với dự thảo Hiệp định, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất cần xin ý kiến như: vấn đề thuế và phí áp dụng cho hàng hóa tham gia hội chợ triển lãm; việc miễn thuế cho hàng hóa có nguồn gốc từ khu vực Tam giác phát triển chưa thống nhất giữa 3 nước; việc quá cảnh, vận chuyển hàng hóa (điều 9) vẫn cần rà soát lại các thỏa thuận song phương, đa phương hiện có giữa 3 bên về vận tải đường bộ, quá cảnh để xây dựng cơ chế tạo thuận lợi về quá cảnh và vận chuyển hàng hóa; quy định định mức hàng hóa do cư dân biên giới trong khu vực mua dưới 200 USD được miễn thuế nhập khẩu và các loại phí vẫn chưa thống nhất cần xin ý kiến trao đổi trong các phiên họp tiếp theo.
Ông Lê An Hải – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định, Vụ phó Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê An Hải – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định, Vụ phó Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng tạo ra cơ chế hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đây là khu vực gồm các tỉnh khó khăn của 3 nước nhưng có tiềm năng phát triển lớn cũng như giữ vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng. Việc triển khai thực hiện Hiệp định sẽ thúc đẩy giao thương, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển CLV.
Theo Daklak.gov.vn