Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật
Ngày đăng: 11/10/2016 10:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/10/2016 10:01
Sáng nay 10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Vĩnh Cảnh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XIV công tác tại tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đồng chí Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham gia ý kiến vào dự thảo các Luật: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Luật Cảnh vệ. Tham gia góp ý vào Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, đồng thời đề nghị làm rõ ranh giới giữa hành vi cố ý và không cố ý gây thiệt hại cho nhà nước. Tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) việc quy định đối tượng được bồi thường là “cá nhân, tổ chức bị thiệt hại” là chưa phù hợp cần bổ sung thêm là “cá nhân, pháp nhân, tổ chức bị thiệt hại” để phù hợp với quy định về chủ thể của pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc bồi thường và trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp là cá nhân, pháp nhân nước ngoài.
Tại Khoản 5 Điều 3, một số đại biểu đề nghị cần thay đổi, lược bỏ cụm từ “hoạt động tố tụng hình sự” thành cụm từ “ hoạt động tố tụng” do hoạt động tố tụng đã bao gồm cả hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Về Điều 14, Điểm b, Khoản 1, đề nghị sửa nội dung “tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền giải quyết trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường” thành “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền giải quyết trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường” cho đầy đủ và phù hợp với pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính. Tại Điều 27, một số đại biểu cho rằng về mức bồi thường thiệt hại về tinh thần (Khoản 2,3 và 7) đề nghị tăng thêm mức bồi thường lên 02 ngày lương cơ sở.
Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thị Xuân tham gia góp ý xây dựng Luật. |
Qua 9 ý kiến góp ý, cơ bản các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010, sau 6 năm thi hành đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ Luật, Luật mới, đặc biệt là Hiến pháp mới trong đó có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật đã làm cho nhiều quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất, đồng bộ với các Luật khác nên việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Góp ý vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc sử dụng tài sản công là vấn đề được dư luật hết sức quan tâm nên việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết. Qua 4 ý kiến, các đại biểu quan tâm góp ý một số nội dung như: tại Điều 9, việc dùng từ cộng đồng giám sát cần sửa lại thành giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; về nội dung giám sát, các đại biểu cơ bản nhất trí nhưng về hình thức giám sát cần sửa đổi cho phù hợp, cần tổ chức các đoàn giám sát độc lập để nâng cao hiệu quả giám sát; cần rút gọn các Điều 54, 55, 56 lại thành một Điều cho gọn vì các Điều này quy định nội dung trùng lặp nhau; ở Điều 30 việc xây dựng cơ sở vật chất bên cạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính cần bổ sung thêm ý đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đối với Luật Cảnh vệ, dự thảo Luật này có 5 Chương, 29 Điều. Góp ý vào dự thảo Luật này, các đại biểu quan tâm đến các nội dung chính như: đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ, khu vực cảnh vệ, quyền và trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam…Về các khu vực trọng yếu cần cảnh vệ, các đại biểu cho rằng, tại Điều 8, Khoản 3, ngoài một số khu vực trọng yếu đã quy định trong dự thảo như các khu vực làm việc của Trung ương Đảng, của Chủ tịch nước, của Chính phủ, của Quốc hội, Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình cần bổ sung thêm Trung tâm Hội nghị quốc gia…
Đồng chí Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Y Khút Niê – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật của các đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, tham gia ý kiến tại nghị trường cũng như báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Theo Daklak.gov.vn