Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”
Ngày đăng: 10/12/2018 08:07
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/12/2018 08:07
Ngày 09/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005 - 2017, cả nước có 66.738 hộ dân di cư tự do (DCTD), tập trung vào 03 khu vực: Tây Nguyên (55.846 hộ), Tây Bắc (5.811 hộ) và Tây Nam Bộ (2.081 hộ).
Đến hết năm 2017, có 42.237 hộ (chiếm 63,3%) đã được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch hoặc tự ổn định. Hiện vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp ổn định và tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên (hơn 22.000 hộ).
Tình trạng trên đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Các địa phương có người DCTD đi và đến đều gặp áp lực lớn trong việc bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Dân DCTD không chỉ phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch của các địa phương, tình trạng DCTD còn làm xáo trộn đời sống của người dân tại chỗ, phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết đã tiến hành rà soát 122 công ty nông, lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp, có 108 công ty được giữ lại (tổng diện tích quản lý 935.120ha) và 14 công ty giải thể, bàn giao về cho địa phương (diện tích 144.624ha).
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường tại Tây Nguyên còn kém hiệu quả dẫn đến việc phát sinh những nguy cơ như: tranh chấp, lấn chiếm đất đai; rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá và tiếp diễn tình trạng DCTD.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dân DCTD là vấn đề không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải. Việc di cư ngoài kế hoạch tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường, quan điểm của Đảng, Nhà nước là không ủng hộ việc DCTD. Để giải quyết vấn đề này, trước hết và lâu dài là phải giữ chân và ổn định dân cư tại địa phương. Để làm được việc này, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế cho người dân. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện xong các dự án ổn định dân DCTD để người dân di cư giai đoạn trước có nơi ở, đất đai canh tác ổn định và được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 hoàn thành các dự án ổn định dân DCTD và đến năm 2025 giải quyết dứt điểm tình trạng DCTD. Nếu thực sự việc di cư người dân từ địa phương này đến địa phương khác là phù hợp và cần thiết, thì lãnh đạo các địa phương cần chủ động trao đổi để đưa ra phương án cụ thể để giải quyết chứ không để bị động khi người dân di cư một cách tự phát.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. |
Gợi ý về định hướng phát triển kinh tế cho đối tượng dân DCTD, Thủ tướng cho rằng, tập quán của bà con DTTS đã quen sống nơi rừng núi, nên phát triển lâm nghiệp, làm giàu từ rừng là giải pháp phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết dứt điểm tình hình thiếu đất sản xuất, kiểm soát tình hình dân DCTD; giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp đất, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất và ổn định tình hình trật tự an ninh - xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo Daklak.gov.vn