Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng 25 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao
Ngày đăng: 07/08/2024 09:54
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/08/2024 09:54
Sáng 6/8, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng) đã tổ chức hội nghị xem xét, đánh giá, chấm điểm phân hạng cho 25 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao của các huyện đề nghị.
Thành viên Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP |
Tham gia Hội đồng có ông Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng; Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; thành viên hội đồng và các chủ thể sản phẩm OCOP.
Trong hai ngày 6 và 7/8, Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá phân hạng cho 25 sản phẩm (tiềm năng 4 sao) của 08 chủ thể ở 4 địa phương gồm TP. Buôn Ma Thuột, TX Buôn Hồ, huyện Krông Pắc và huyện Krông Ana. Đây là những sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao do cấp huyện đề nghị và đã được Tổ tư vấn Hội đồng OCOP kiểm tra thực tế và chấm điểm lần 1.
Ông Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phát biểu khai mạc |
Cụ thể, huyện Krông Pắc gồm sản phẩm: Yến chưng, Yến sấy thăng hoa Công ty TNHH Thành Dung; Sầu riêng Dona cấp đông - Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk; Gạo lức đen hữu cơ N&H; Sầu riêng sấy Thăng Hoa N&H - Công ty Cổ phần chế biến nông sản N&H; Cà phê Mountain Legend Special Robusta Coffee Blend, Cà phê M'Ja Classic Coffee Blend, Cà phê Chồn Robusta Lengend Rivied - Chi nhánh Công ty TNHH Huyền Thoại Núi – Nhà máy sản xuất;
Thị xã Buôn Hồ gồm sản phẩm: Hạt Macca, Nhân hạt Macca, Nhân Macca sầu riêng, Sầu riêng sấy- Công ty TNHH Maca Đắk Lắk;
Thành phố Buôn Ma Thuột gồm các sản phẩm: Bơ - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mười Bơ;
Huyện Krông Ana gồm các sản phẩm: Bột Ca cao nguyên chất, Sô cô la nhân, Sô cô la nhân Macca (macala) - Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn; Cà phê hòa tan sầu riêng, Cà phê hòa tan 688-Công ty Cổ phần Êđê Café;
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, Hội đồng triển khai thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, theo đó trình tự đánh giá được chia làm 3 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện;
Cấp tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng 4 sao do cấp huyện phê duyệt kết quả chấm điểm và đề nghị đánh giá. Phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao đối với sản phẩm có kết quả trung bình điểm từ 70-89 điểm, đủ điều kiện phân hạng OCOP 4 sao theo quy định;
Chuyên gia tư vấn phân tích từng bộ sản phẩm qua đợt khảo sát thực tế |
Phê duyệt kết quả chấm điểm và trình Hội đồng OCOP cấp Trung ương xem xét đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đối với sản phẩm có trung bình điểm đạt từ 90 đến 100 điểm, đủ điều kiện đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao theo quy định;
đồng thời hội đồng sẽ phê duyệt kết quả chấm điểm và chuyển trả hồ sơ các sản phẩm có kết quả trung bình điểm dưới 70 điểm hoặc từ 70 điểm trở lên, chưa đủ điều kiện phân hạng 4 sao hoặc tiềm năng 4 sao về UBND cấp huyện để xem xét, công nhận hoặc hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
“Xác định Chương trình OCOP là một nhiệm vụ cần có sự vào cuộc của tất cả các Sở, ngành và địa phương do vậy, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình theo đúng chu trình OCOP, không chạy theo thành tích nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.” - ông Nguyễn Thiên Văn nói.
Sản phẩm OCOP trưng bày giới thiệu tại hội nghị |
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới- cơ quan thường trưc Hội đồng, trong 2 ngày, Tổ tư vấn Hội đồng sẽ báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở và đánh giá, chấm điểm cho từng sản phẩm trước Hội đồng OCOP cấp tỉnh. Chuyên gia tư vấn phân tích từng bộ sản phẩm; ý kiến các thành viên Hội đồng. Nghe giải trình thêm của chủ thể sản phẩm.
Sau đó, các thành viên hội đồng độc lập chấm điểm, đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí trung ương quy định. Hội đồng sẽ công bố kết quả chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP công khai. Kết quả phê duyệt của Hội đồng sẽ được trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả và cấp chứng nhận cho các sản phẩm đạt hạng sao.
Đến nay tỉnh Đắk Lắk đã có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, tăng 158 sản phẩm so với năm 2022, trong đó: có 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 28 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 184 sản phẩm đạt 3 sao của 92/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Với 145 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó, doanh nghiệp chiếm 35,86%, Hợp tác xã chiếm 23,45% và Cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 40,69%.
Các thành viên hội đồng độc lập chấm điểm, đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí |
Mặc dù, sản phẩm OCOP 2023 tăng mạnh, tuy nhiên so với các tỉnh trong cả nước và so với tiềm năng của tỉnh thì sản phẩm của tỉnh đang còn rất khiêm tốn, đa phần các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa phát huy hết lợi thế, tiềm lực hiện có.
Các chủ thể tham gia chương trình vẫn đang gặp những khó khăn mang tính chất chủ quan như là: quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp nhiều khó khăn do phải hoàn thiện nhiều tiêu chí theo quy định của Chương trình OCOP. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn...
Daklak.gov.vn